Nhiều nguồn tin cho biết Trung Quốc đang triển khai tên lửa tới các tỉnh duyên hải của nước này giữa lúc căng thẳng tại biển Đông và Hoa Đông.
Theo trang tin
The Washington Free Bacon hôm qua, tình báo Mỹ vừa phát hiện Trung Quốc di chuyển tên lửa đạn đạo di động về sát bờ biển phía nam gần
quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản, cụ thể là tại khu vực Chiết Giang và Phúc Kiến. The Washington Free Bacon dẫn lời giới chức quốc phòng Mỹ cho biết đang theo dõi sát sao tình hình nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Xe chở tên lửa được cho là DF-16 - Ảnh: Taipei Times |
Trước đó, tờ
Oriental Daily News xuất bản tại Hồng Kông hôm 21.2 dẫn nguồn tin quân sự tiết lộ trong số tên lửa được triển khai, có DF-16 với tầm bắn 1.200 km và được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân. Chuyên gia Richard Fisher tại Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế ở Washington nhận định rằng DF-16 có thể đánh bại tên lửa đánh chặn PAC-3 của Mỹ triển khai tại các căn cứ trong khu vực. Cũng theo
Oriental Daily News, Quân đoàn Pháo binh số 2, tức lực lượng tên lửa chiến lược của quân đội Trung Quốc đang chuẩn bị đặt quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng như các căn cứ của Mỹ ở Okinawa vào tầm ngắm. Bên cạnh đó, báo
The China Post dẫn nguồn tin tình báo
Đài Loan cho hay Trung Quốc còn đặt căn cứ không quân mới mang tên Thủy Môn ở Phúc Kiến. Căn cứ này có thể được dùng để ngăn chặn tàu chiến, máy bay của Mỹ và Nhật Bản hay các nước khác tiến vào
biển Đông và Hoa Đông trong trường hợp xảy ra xung đột. Nhiều chiến đấu cơ J-10 và Su-30 đã được đưa tới căn cứ Thủy Môn.
Ngoài Chiết Giang và Phúc Kiến, có tin quân đội Trung Quốc đã lập lữ đoàn tên lửa mới tại một tỉnh miền nam khác là Quảng Đông. Theo tờ United Daily News của Đài Loan cũng như nhiều báo đài ở đại lục, kể cả Tân Hoa xã, Lữ đoàn 827 đặt căn cứ tại thành phố Thiều Quan của Quảng Đông, được biên chế tên lửa DF-16 và tên lửa chống hạm DF-21D. Các chuyên gia quân sự cho rằng DF-21D là tên lửa đạn đạo chống tàu 2 tầng, tầm bắn tối đa 3.000 km và có khả năng tấn công các mục tiêu đang di chuyển trên biển, bao gồm cả tàu sân bay. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía Trung Quốc về DF-21D nên có ý kiến cho rằng tên lửa này vẫn chưa sẵn sàng tác chiến.
The Washington Free Bacon dẫn lời chuyên gia Fisher ở Washington cho biết thêm Trung Quốc cũng đang tiến tới triển khai một loại tên lửa mới, có thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 3.000 km có tên gọi DF-25. Theo giới quan sát, kế hoạch triển khai tên lửa ra vùng duyên hải của quân đội Trung Quốc vừa mang ý nghĩa “sẵn sàng cho tình huống xấu nhất” vừa nhằm “đe dọa, giương oai”, uy hiếp các bên tham gia tranh chấp trên biển Đông và biển Hoa Đông.
Để đối phó với Trung Quốc, chuyên gia Fisher cho rằng hải quân của Mỹ, Nhật và các đồng minh cần trang bị đầy đủ tên lửa đạn đạo, tên lửa đánh chặn và tên lửa đối hạm tầm xa. Bởi chỉ có như vậy, họ mới có thể buộc Bắc Kinh “xem lại chính sách gây quan ngại của mình”, theo ông.
Hải giám Trung Quốc “chĩa súng vào tàu Nhật” Tuần báo Post của Nhật dẫn nguồn giấu tên cáo buộc tàu Hải giám 66 của Trung Quốc chĩa súng máy dọa bắn chìm tàu cá Nhật gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 27.2. Tuy nhiên, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc (SOA) ngay sau đó đã phủ nhận thông tin trên và tuyên bố thông tin của tờ Post là “vô căn cứ”. Đến ngày 28.2, Nhật phải huy động chiến đấu cơ để chặn một máy bay Trung Quốc đang bay về phía quần đảo. AFP dẫn lời quan chức Nhật cho hay máy bay Trung Quốc đã quay về khi vừa thấy chiến đấu cơ Nhật nên chưa kịp xâm nhập không phận Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo chưa có phản ứng trực tiếp về các thông tin trên nhưng Thủ tướng Shinzo Abe hôm qua tuyên bố nước ông kiên trì theo đuổi nguyên tắc “luật pháp quốc tế phải thắng thế trước vũ lực”. |
Trùng Quang