Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng để hạ lãi suất cho vay.
Đó là cam kết của vị tư lệnh ngành ngân hàng tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền Trung vừa diễn ra tại Đà Nẵng.
Lãi suất cho vay sẽ hạ từ 1-2%/nămTheo phản ánh của nhiều đại diện DN tại Hội nghị, trong khi môi trường kinh doanh đầy rủi ro, biến động thì gánh nặng lãi suất cao trong một thời gian khá dài chất chồng thêm khó khăn cho DN và hạ lãi suất đang là mong mỏi của cộng đồng DN lúc này.
Chủ tịch HĐQT CTCP Thiên Kim, TP. Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Kim Nữ chia sẻ, lãi suất cao đã “ăn mòn” lợi nhuận của DN, khiến DN không thể tích lũy để đầu tư cho phát triển.
Còn theo ông Ngô Văn Tươi, Phó chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc CTCP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, hiện lãi suất huy động 8%/năm, nhưng lãi suất đầu ra lại không được khống chế, nên lãi suất cho vay dù đã giảm nhiều so với trước nhưng vẫn còn khá cao so với kỳ vọng của DN. Dù một số ngân hàng đã áp dụng lãi suất cho vay 12 - 13%/năm, nhưng mức lãi suất này hầu như chỉ áp dụng với một số đối tượng khách hàng ưu tiên.
Lãi suất 11-13%/năm hiện chủ yếu áp dụng cho đối tượng ưu tiên
“Ngân hàng cần phải giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý hơn để hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng cần thông báo lộ trình giảm lãi suất để DN có kế hoạch sản xuất - kinh doanh cho phù hợp”, ông Tươi kiến nghị.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, dù còn những rào cản nhất định, nhưng lãi suất huy động có thể hạ được trong ngắn hạn. Ông Nghĩa cho rằng, với mức lãi suất huy động hiện tại là 8%/năm cộng với biên độ lãi suất 3%/năm, lãi suất cho vay ở mức 11 - 13%/năm là hợp lý. Vì vậy, các ngân hàng còn dư địa hạ lãi suất cho vay từ 1-2%/năm. Việc đưa lãi suất cho vay về mức 13%/năm, theo TS. Nghĩa, thể hiện sự chia sẻ của hệ thống ngân hàng với cộng đồng DN trong giai đoạn hiện nay, nếu không, chính các NHTM cũng rất khó khăn để có thể cho vay với lãi suất 15%/năm.
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, NHNN tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát trong tháng 3, 4, nếu kỳ vọng lạm phát cả năm ở dưới mức 8%, sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. “Dư địa giảm lãi suất huy động chỉ còn khoảng 1%/năm trong năm nay, mỗi lần điều chỉnh khoảng 0,25%/năm. Nhưng lãi suất cho vay thì có nhiều cơ sở để tiếp tục hạ xuống trong thời gian tới”, Thống đốc khẳng định.
“Nếu cứ áp dụng mức lãi suất cho vay 15 - 17%/năm, DN chết, NHTM cũng chết. Còn chấp nhận cho vay với lãi suất thấp, ngân hàng sẽ bớt lãi, nhưng có thể giúp cả ngân hàng và DN cùng tồn tại được. Đứng ở vị trí là người kinh doanh tiền, ngân hàng nên chấp nhận lỗ trước mắt để đẩy được vốn và tìm được khách hàng tốt trong giai đoạn hiện nay làm nền tảng trong thời gian sắp tới”, Thống đốc nhấn mạnh.
Lãi suất thấp chỉ hỗ trợ đúng đối tượngÔng Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Toàn gieo câu hỏi, dù thanh khoản của các ngân hàng đã dồi dào hơn, lãi suất không cao so với 5 năm trước, vì sao DN không vay được tiền? Theo ông Thành, điều này chính là do “sức khỏe” của các DN quá ốm yếu, không có khả năng hấp thụ vốn. Nhà nước cần có biện pháp buộc các DN phải “tự chữa bệnh” và Nhà nước hỗ trợ quá trình này, thậm chí cần mạnh tay “khai tử” đối với những DN có tình hình tài chính quá bi bét, không còn hy vọng vực dậy.
“Khi các DN kinh doanh có lãi thì tự hưởng. Lúc khó khăn lại kêu gào Nhà nước hỗ trợ là không công bằng. Lời ăn, lỗ chịu, đó là quy luật của cuộc sống. Nếu Nhà nước cứ thấy DN “kêu”, sốt ruột mà hỗ trợ là tạo tiền lệ xấu cho chính các DN hiện tại và sẽ thành lập trong tương lai. DN nào đáng “chết”, hãy để cho “chết” vì sẽ có những thế hệ DN mới được hình thành làm ăn tốt hơn, hiệu quả hơn”, ông Thành nhấn mạnh.
Giám đốc NHTM Đông Á (DongA Bank) chi nhánh Đà Nẵng, ông Trần Trọng Vinh chia sẻ, các ngân hàng đều muốn cho vay, nhưng phải trên cơ sở khoản vay tốt để đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng. Ông Vinh lấy ví dụ, DongA Bank đã chấp thuận cho CTCP Thiên Kim vay 12 tỷ đồng, bao gồm 6 tỷ đồng bảo đảm bằng bất động sản, 3 tỷ đồng bảo đảm bằng máy móc thiết bị và 3 tỷ đồng bằng tín chấp để mua phôi thép, phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh chính, nhưng với kế hoạch đầu tư vào một dự án bất động sản của công ty này, Ngân hàng xét thấy không khả thi nên đã từ chối cho vay.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định quan điểm chỉ đạo của ngành ngân hàng trong thời gian tới, lãi suất thấp sẽ hỗ trợ đúng đối tượng khách hàng có dự án kinh doanh tốt, để đảm chất chất lượng, an toàn tín dụng.
Theo Hồng Dung (Đầu tư chứng khoán