Lại thêm một lần Bộ trưởng Y tế bị các đại biểu Quốc hội chất vấn về tình trạng quá tải bệnh viện.
Chiều 17/4, UB Các vấn đề xã hội nghe Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình về chuyển tuyến khám chữa bệnh và quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Trong 3 giờ đồng hồ, chuyện vượt tuyến, quá tải bệnh viện và bội chi quỹ BHYT “nóng” với 13 ý kiến từ các ĐBQH.
Không một chỗ trốngSau khi nghe Bộ trưởng Y tế báo cáo, ĐB Cao Văn Sang (TP HCM) và ĐB Trần Ngọc Tăng (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi:
“Ngành y tế đang thiếu và yếu về nhân lực, ở tuyến dưới còn thiếu nặng nề hơn khiến người dân dồn lên tuyến trên. Vấn đề chuyển tuyến, vượt tuyến đang diễn ra phổ biến khiến việc phân tuyến kỹ thuật không hiệu quả. Giải pháp căn cơ mà Bộ Y tế đưa ra là gì?”. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có những điểm bất cập như các ĐB đã nêu. Hiện các trạm y tế xã không có nguồn nào để mua sắm, nâng cấp trang thiết bị. Chính phủ đã duyệt đề án nâng cấp các trạm y tế xã song do kinh tế khó khăn nên chưa triển khai đề án.
Người đứng đầu ngành y tế cũng cho biết thông tư về chuyển tuyến xây dựng đã 2 năm nay nhưng vẫn chưa thể ban hành do chưa thống nhất được một số điểm quan trọng, trong đó đáng chú ý là nếu bệnh viện tuyến trên nhận khám bệnh cho bệnh nhân mắc bệnh thông thường (mà tuyến dưới chữa được) sẽ bị phạt và hạ bậc thi đua.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Có những bệnh nhân lớn tuổi đi tập thể dục từ 5 giờ sáng đợi đến 3 giờ chiều mới lấy được thuốc (Ảnh: Minh Thăng)
Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi:
Quá tải có phải do chất lượng khám chữa bệnh của tuyến trên tốt hơn tuyến dưới hay không?Bộ trưởng Y tế nói: “Hiện nay, đúng là bệnh viện tuyến trên có thầy thuốc tốt hơn, trang thiết bị đầy đủ hiện đại hơn, xã hội hóa mạnh hơn nên đầu tư đồng bộ. Có đến 60% bệnh nhân điều trị ở tuyến trên mà không cần thiết, đặc biệt là tuyến trung ương.
Để đảm bảo “tuyến nào làm việc của tuyến ấy”, bà Tiến khẳng định giải pháp căn cơ mà Bộ Y tế đưa ra là thực hiện phân tuyến kỹ thuật rất chặt chẽ, không để chuyển tuyến tràn lan.
Ngoài ra, các đề án nâng cấp bệnh viện tuyến huyện, tỉnh cùng với đề án bác sỹ gia đình, luân chuyển cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới, bệnh viện vệ tinh sẽ được triển khai đồng bộ để nâng cao chất lượng tuyến dưới.
“Nếu không làm vậy thì không thể giảm tải được. Vào bệnh viện Ung bướu ở TP HCM mà thấy không khác gì trại tị nạn, đến đêm vẫn không còn một chỗ trống, người nhà bệnh nhân không còn nơi để ngủ”, Bộ trưởng cho hay.
Chờ đợi khám bệnh: Quá lâu, quá khổCũng liên quan đến việc chuyển tuyến, quá tải, một số ĐBQH nói việc khám chữa bệnh phải đợi chờ quá lâu, có nơi người dân đi xếp hàng từ 4 giờ sáng.
Bộ trưởng Y tế cũng cho hay bà biết có những bệnh nhân lớn tuổi đi tập thể dục từ 5 giờ sáng mà đợi đến 3 giờ chiều mới lấy được thuốc. Thủ tục khám chữa bệnh và thanh toán BHYT quá rườm rà nên ngành y tế có muốn nhanh cũng không được.
“Chúng tôi đang đề xuất các bệnh viện nên có một cửa đón tiếp riêng dành cho những bệnh nhân từ 75 tuổi trở lên. Ngay trong tuần này Bộ Y tế sẽ ban hành thông tư quy định quy trình khám chữa bệnh, làm sao để với bệnh nhân khám có xét nghiệm, chụp chiếu thì thời gian chờ đợi không quá 2-3 tiếng. Việc thanh toán BHYT cũng giảm từ 6 chữ ký xuống còn 4 chữ ký”, bà Tiến nói.
Ngoài ra, vấn đề phục vụ người bệnh cũng được người đứng đầu ngành y tế lưu tâm: “Nếu một bệnh viện không trích tiền thu được từ việc tăng giá viện phi để tái đầu tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và không khiến cán bộ nhân viên thay đổi thái độ phục vụ thì sẽ đề xuất BHXH Việt Nam không ký tiếp hợp đồng khám chữa bệnh BHYT”.
Ủng hộ quan điểm phải phân tuyến chặt chẽ để tránh chuyển tuyến tràn lan, phá vỡ hệ thống khám chữa bệnh, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội bà Trương Thị Mai lưu ý Bộ trưởng Y tế một điểm quan trọng. Theo đó, với những nơi ở tuyến dưới vì nhiều lý do mà không thể tiếp cận được tới kỹ thuật để khám chữa bệnh thì cần cân nhắc kỹ càng, bởi nếu không cho chuyển tuyến thì rất nguy hiểm, liên quan trực tiếp tới sinh mạng người bệnh. Điều này càng nên được lưu tâm trong bối cảnh các bệnh viện tuyến dưới cũng được chủ động triển khai nghị định về tự chủ tài chính, họ có xu hướng giữ lại bệnh nhân để tăng thu. |
Theo Cẩm Quyên (Vietnamnet)