Hôm nay, 15/4, Thông tư 11 của Bộ Công an về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ" chính thức có hiệu lực.
Trong đó, vấn đề nhiều người quan tâm nhất thời gian qua, xử phạt xe không sang tên, cũng bắt đầu được áp dụng.
Tuy nhiên, CSGT sẽ không không được dừng xe đang đi trên đường, để kiểm soát, xử lý hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.
Vậy lỗi không sang tên sẽ bị xử phạt trong trường hợp nào và cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào đâu để xử phạt?
Theo một luật gia tại Hà Nội, có thể hiểu rằng, chỉ những trường hợp mua bán xe mà viết giấy tờ mua bán mới có thể xử phạt. Còn những người mua bán xe nhưng không viết giấy tờ gì cả thì cơ quan chức năng sẽ không có căn cứ xử phạt.
Bởi Khoản 2 Điều 9 Thông tư 11 chỉ quy định, xử phạt trường hợp quá hạn kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe mà không làm thủ tục sang tên.
Luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty Luật Inteco, Hà Nội) cũng thừa nhận, nếu xét theo câu chữ trên văn bản của Thông tư 11 thì đúng như vậy.
Bởi theo Điều 9 của Thông tư, sau một loạt các diễn giải "Thông qua điều tra, giải quyết tai nạn giao thông,... phát hiện chưa sang tên...", thì "xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên..."
Luật sư Phong nêu vấn đề: Nếu cơ quan chức năng thông qua điều tra, nghiệp vụ mà phát hiện xe được mua bán đã lâu, thậm chí vài năm, nhưng người mua và người bán không lập giấy mua bán gì hết, cũng không thể phạt được!?
Hôm nay, Thông tư 11 của Bộ Công an về xử phạt vi phạm giao thông có hiệu lực (Ảnh minh họa)
Trả lời chúng tôi, Thượng tá Hoàng Văn Ninh, Trưởng Phòng CSGT tỉnh Thái Nguyên cũng cho biết, thực tế từ trước đến nay, lực lượng CSGT tại địa phương này chỉ xử phạt lỗi không sang tên đổi chủ khi có đủ căn cứ là "giấy tờ chuyển nhượng hợp lệ đã được lập" và quá 30 ngày. Và theo tìm hiểu chúng tôi, tại nhiều địa phương, chưa thấy ai mua xe không lập giấy tờ chuyển nhượng mà nói rằng đã bị phạt về lỗi này.
LS. Hà Huy Phong cũng nêu lại một vấn đề khác rằng, lỗi không sang tên, phạt người đứng tên trong đăng ký xe hay phạt người sử dụng xe. Theo quy định trong các Nghị định, phạt "chủ xe" nếu không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định. Như vậy, LS Phong cho rằng, xử phạt hành vi này là xử phạt đối với người đứng tên trong đăng ký xe chứ không phải là với người đang sử dụng xe.
Do đó, vị luật sư này nhận xét, lâu nay, các điểm đăng ký phương tiện cũng như CSGT xử phạt người đến làm thủ tục hoặc người đang sử dụng xe về lỗi này là không hợp lý. Bởi họ không đứng tên trong đăng ký xe thì không phải là "chủ xe". Đến Thông tư 11 lại viết "xử phạt trường hợp". Không rõ "trường hợp" ở đây là người mua hay người bán?
Khoản 2 Điều 9 Thông tư 11/2013/TT-BCA: Thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe (sau đây gọi là mua, bán xe không sang tên) theo quy định tại Thông tư của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, thì phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm: “mua, bán xe không sang tên” và xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định. |
Cảnh Kiên