Nhiều bạn trẻ nông thôn cứ ngỡ chỉ cần chuẩn bị một bộ hồ sơ là có thể xin được việc, nhưng thực tế không hẳn vậy.
Rớt từ “vòng chào hỏi“ Đang là công nhân gò hàn ở Khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi), sau tết Toàn (quê ở Bình Sơn, Quảng Ngãi) bỏ vào TP.HCM tìm việc khác với hy vọng kiếm được nhiều tiền hơn. Thế nhưng, suốt gần một tháng tìm kiếm ở nhiều công ty, xí nghiệp khắp các khu công nghiệp ở Q.Tân Bình, Q.7… Toàn vẫn thất nghiệp.
Nhiều thanh niên đến TP.HCM tìm việc, nhưng việc làm không dễ đến với họ - Ảnh: Lê Thanh |
Không riêng Toàn, đây là tình trạng phổ biến của khá nhiều thanh niên từ 15 đến 40 tuổi, ở khắp các tỉnh thành, trong đó nhiều nhất là các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… vào TP.HCM tìm việc mà chúng tôi đã được tiếp xúc. Hầu hết họ trước đây hoặc đã có công việc ổn định tại địa phương với mức lương đủ sống, hoặc đang làm nghề nông với gia đình, nay muốn có thu nhập cao hơn hoặc mong muốn “đổi đời” nên đến TP.HCM tìm việc.
|
| Tại các xí nghiệp may, làm giày dép, gỗ… thường nuôi cơm, bao ăn ở cho hàng chục công nhân, thậm chí có nơi lên đến 40, 50 người. Không chỉ có đồng hương của người chủ mà còn thuê người tứ xứ khắp nơi. Chính vì thế, mâu thuẫn, cãi vã từ những người làm thuê với nhau xảy ra thường xuyên, đến từ những nguyên nhân nhỏ nhặt trong sinh hoạt hằng ngày như: tranh giành tắm, tranh giành chỗ ngồi trong bữa ăn, thậm chí gây hấn với nhau chỉ vì giọng nói khó nghe. Không ít người đã phải bỏ việc giữa chừng vì thế. |
| |
“Bọc theo 3 triệu đồng. Đi xe hết 800.000 đồng, thế mà chỉ chưa đầy nửa tháng tìm việc thì tiền đã sạch bách mà việc vẫn chưa có”, anh Trường (38 tuổi, quê ở Phù Cát, Bình Định) vừa rít thuốc, vừa than. Theo anh Trường, lý do khiến anh bị loại ngay từ “vòng chào hỏi” là lớn tuổi. Thế nhưng, không ít thanh niên trai tráng cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thiên (16 tuổi, quê ở Mộ Đức, Quảng Ngãi) dù đã xin việc làm gần cả chục quán cà phê tại khu vực ngã ba Gò Mây (Q.Bình Tân) nhưng đều bị từ chối với câu hỏi: “Lỡ người ta chạy xe Dylan hay mô tô vào thì làm sao dắt nổi?” khi thấy ngoại hình thấp bé của Thiên. Tương tự, Hoàng (16 tuổi, quê Đại Lộc, Quảng Nam) cũng không thể xin việc vì không đạt yêu cầu nặng tối thiểu 45 kg mà nhiều xí nghiệp chuyên sản xuất giày dép đưa ra.
Cùng một nhóm thanh niên quê Quảng Ngãi, chúng tôi đi nộp hồ sơ xin việc tại Công ty TNHH Đại Cồ (một công ty xuất khẩu hàng nội thất) trên đường Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM. Để được tuyển dụng, ứng viên xin việc phải trải qua những bài kiểm tra phức tạp, không chỉ thử sức trong hàng trăm câu trắc nghiệm về an toàn lao động mà còn phải giải những bài toán đố IQ, toán logic. “Tôi bỏ học từ lớp 8. Nay đã hơn 30 tuổi rồi, có biết gì đâu mà giải. Chỉ có những phép tính nhân chia đơn giản thì… lấy điện thoại ra bấm, còn lại thì bó tay. Ai cũng thế chứ không riêng tôi. Đi xin việc làm mà thi này nọ giống thi đại học quá” - Hưng, một người trong nhóm tìm việc chán nản kể lại.
Nhóm của Hưng sau đó đi xin làm ở xưởng sản xuất tôn tư nhân trên đường Lê Trọng Tấn (Q.Bình Tân) nhưng bị từ chối vì người chủ quê ở Sóc Trăng không nhận công nhân ở tỉnh khác, chỉ nhận người đồng hương. Tiếp tục rảo đi, rồi chăm chú dán mắt vào những thông báo tuyển dụng dán dọc đường, Hưng thở dài: “Đi xin việc mà sao khó khăn quá vậy, đúng là làm thuê không dễ”.
“Đứng núi này trông núi nọ” Trong khi có khá nhiều trường hợp không thể tìm được việc làm vì nhiều lý do khác nhau như kể trên thì nhiều người may mắn được các xí nghiệp, công ty nhận làm lại bỗng dưng… bỏ việc giữa chừng, để rồi sống trong vòng luẩn quẩn: thất nghiệp, tìm việc, bỏ việc và trở về thất nghiệp.
Nhuận (18 tuổi, quê Quảng Ngãi) tuy không có giấy tờ tùy thân nhưng vẫn được nhận vào làm phụ may, cắt chỉ ở xưởng may tư nhân gần chợ Phạm Đăng Giảng (Q.Bình Tân) với mức lương 16 triệu đồng/năm, chủ bao cơm nước, chỗ ngủ, vé xe khi vào TP.HCM… Thế nhưng làm chưa đầy một tuần, Nhuận tự ý bỏ việc. “Để đi kiếm việc gì khác làm chứ làm việc này không quen, lại thức khuya làm sớm, mỏi người lắm”, Nhuận nói. Được biết thêm, vì “giao kèo” ở ngày nhận việc nên khi Nhuận bỏ ngang không nhận được bất kỳ khoản tiền công nào.
Nhiều trường hợp tương tự, dù phải lây lất đi tìm việc, khó khăn lắm mới được nhận làm, nhưng khi có việc làm một, hai ngày là bỏ. Lý do được đưa ra thường là lương thấp, việc làm không phù hợp… “Tôi xin làm bảo vệ cho một công ty kia. Đóng tiền thế chân, trang phục gần 700.000 đồng. Lương làm một tháng 3,4 triệu đồng, được ngủ lại chỗ trực. Nhưng đêm hôm thức canh, thấy nguy hiểm quá nên bỏ cuộc”, Trung, 24 tuổi, đồng hương với Nhuận, chấp nhận mất trắng số tiền thế chân và tiền công gần một tuần làm việc từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng, kể lại.
Ngoài ra, theo chúng tôi tìm hiểu, còn bởi tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” của đa số thanh niên lần đầu vào TP.HCM tìm việc làm. Bên cạnh sự bỡ ngỡ khi hòa nhập cùng công việc mới, họ còn phải chịu đựng cùng lúc áp lực tiền bạc: tiền ăn, tiền thuê phòng, tiền đi lại… Vì thế, chỉ cần biết được nơi nào trả thù lao cao hơn là bị lao xao, dao động, muốn bỏ để đi tìm công việc mới với suy nghĩ “sẽ tốt hơn, lương cao hơn”. “Tôi cho rằng chủ yếu là do tụi nó không biết cố gắng mà thôi. Ở quê vào đây muốn làm ăn, thì phải biết “tập chịu”, đó là biết chịu đựng, chịu khổ nhục, chịu cực. Nhiều người làm được thì mình cũng thế chứ ai đời đi làm thuê mà thích thì tự nghỉ, hứng lên là bỏ việc, đâu phải dễ lấy tiền người ta”, ông Lộc, chủ trọ gần KCN Tân Tạo, H.Bình Chánh, trò chuyện. Ông Lộc lắc đầu ngán ngẩm cho biết thêm: “Như mấy đứa trọ ở ngoài tôi, vào đây từ mùng 10 tết, cứ nghe cái điệp khúc “đi xin việc” hoài mà đến nay vẫn còn rảnh rỗi, có đứa làm dăm ba ngày lại ngồi nhà. Ngày nào cũng thấy ngủ đến tận trưa, cà phê, thuốc lá rồi hết ngày. Chẳng hiểu thế thì vào Sài Gòn làm gì nữa”.
(còn tiếp) Tạo việc làm cho thanh niên nông thôn Tỉnh đoàn Đồng Tháp cho biết đến nay đã thành lập được 126 tổ hợp tác và 2 HTX thanh niên ở 77/144 xã, phường, thị trấn với 1.016 thành viên tham gia, số vốn quản lý hơn 16 tỉ đồng. Các tổ hợp tác, hợp tác xã đã giải quyết việc làm ổn định cho lực lượng đoàn viên thanh niên nông thôn, trong đó mỗi tổ viên thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng. Thanh Dũng |
Xuân Phương