hủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm nay tuyên bố sẽ "trục xuất bằng vũ lực" nếu phía Trung Quốc đặt chân lên chuỗi đảo trên biển Hoa Đông, sau khi 8 tàu Hải giám Trung Quốc đi vào vùng nước xung quanh quần đảo.
> 80 người Nhật đến gần Senkaku/Điếu Ngư
|
Các tàu Hải giám 66, 62 của Trung Quốc cùng tàu tuần tra Ishigaki của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản tại vùng nước gần Senkaku/Điếu Ngư sáng nay. Ảnh: Global Times |
"Chúng ta không bao giờ cho phép lên đảo. Chắc chắn chúng ta sẽ sử dụng vũ lực nếu họ (Trung Quốc) đặt chân lên đảo", Thủ tướng Nhật trả lời câu hỏi của các nghị sĩ trong cuộc họp quốc hội.
Trước đó, 8 tàu của chính phủ Trung Quốc hôm nay thâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp. Đây là số lượng tàu lớn chưa từng có cùng xuất hiện tại khu vực này trong một ngày kể từ khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa một phần quần đảo hồi tháng 9 năm ngoái, AFP cho hay.
Các tàu hải giám đi vào vùng đặc quyền kinh tế rộng 12 hải lý quanh Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng 8h sáng theo giờ địa phương. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố hành động này của Trung Quốc là "không thể chấp nhận được" và cho biết đã có phản đối mạnh mẽ đối với nước này cả ở Bắc Kinh và Tokyo.
Trong khi đó, 170 nhà lập pháp của Nhật, trong đó có các bộ trưởng của Nhật, mới đây tới thăm đền Yasukuni ở Tokyo, nơi thờ các binh sĩ chết trận, mà các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc coi là biểu tượng quá khứ đế quốc của Nhật.
Tokyo triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Nhật sau khi các tàu của chính phủ Trung Quốc đi vào vùng nước tranh chấp, còn Bắc Kinh gọi chuyến viếng thăm đền Yasukuni là "hành động chối bỏ quá khứ xâm lược" của Nhật.
Chuyến thăm đền Yasukini của các thành viên nội các Nhật cũng khiến quan hệ của Nhật và Hàn Quốc trở nên căng thẳng. Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se đã quyết định hoãn chuyến thăm tới Nhật để phản đối việc thăm đền. Giữa hai nước cũng tồn tại tranh chấp chủ quyền tại chuỗi đảo Dokdo/Takeshima trên biển Nhật Bản, gây sóng gió trong quan hệ song phương hồi năm ngoái.
Vũ Hà