Hàng tấn nội tạng động vật, gia cầm đã qua sơ chế được ngâm, tẩm trong các dung dịch “lạ”, “tuồn” từ nước ngoài vào Việt Nam liên tiếp được các lực lượng CATP Hà Nội phát hiện, bắt giữ những ngày qua. Hóa chất tẩm ướp ấy là loại gì, tác hại với người sử dụng ra sao... là các câu hỏi cơ quan kiểm nghiệm chưa có lời giải!
Thịt gà, tim, gan... đều ướp Theo ghi nhận của PV, từ đầu tháng 4-2013 đến nay, các lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường, CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ gần 10 vụ đối tượng vận chuyển nội tạng động vật, gia cầm đã qua sơ chế không rõ nguồn gốc, nhiều khả năng “nhập chui” từ nước ngoài vào Việt Nam, về Hà Nội tiêu thụ hoặc trung chuyển đi nơi khác.
Mới đây nhất, sáng 20-4, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội, phối hợp với Đội QLTT số 17 - Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện, bắt quả tang Ngô Văn Thanh (SN 1975), trú tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn điều khiển xe ô tô tải BKS: 30Z-5780, chở 21 thùng xốp, ngoài có dán nhãn ghi chữ Trung Quốc, trong chứa nội tạng động vật, gia cầm đã qua sơ chế, tất cả đều ngâm - tẩm trong một dung dịch “lạ”, khả năng là hóa chất bảo quản chống ôi thiu. Làm việc với cơ quan công an, lái xe Thanh khai nhận, được một người thuê chở số nội tạng, gia cầm ngâm hóa chất “lạ” trên từ khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội), về Hưng Yên tiêu thụ.
Thống kê, phân tích gần 10 vụ bắt giữ thực phẩm “bẩn” từ đầu tháng 4-2013 đến nay, đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường khẳng định, thủ đoạn vận chuyển “hàng bẩn” đang có nhiều thay đổi. Ngoài vụ bắt giữ hơn 1 tấn nội tạng, gia cầm đã qua sơ chế, các vụ việc bị phát hiện trước đó có số lượng nhỏ lẻ (từ 300-400kg).
Để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng buôn thực phẩm “bẩn” đang xé lẻ hàng gửi trên xe khách chất lượng cao, chứ không thuê xe tải “đánh” chuyến lớn như trước kia. Trinh sát Đội PCTP trong lĩnh vực y tế - VSATTP (Đội 6), Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường khẳng định: thực phẩm “bẩn” tuồn về bán ở Hà Nội đã giảm đáng kể.
Nội tạng động vật được ngâm, tẩm trong hóa chất “lạ”
Hiện “hàng” (gia cầm) chủ yếu trung chuyển về Thủ đô để đi các tỉnh lân cận, còn nội tạng động vật (tim, gan, phổi, lòng) phần lớn được xé lẻ, gửi xe khách chất lượng cao lên một số tỉnh phía Bắc, vào các nhà hàng để chế biến món Thắng Cố đặc sản. Phương thức, thủ đoạn vận chuyển khác nhau, song các vụ bắt giữ đều có điểm chung, thực phẩm đều đã qua ngâm - tẩm trong dung dịch “lạ”.
Hóa chất... độc Thông tin với PV về những loại dung dịch ngâm - tẩm thực phẩm này, Thiếu tá Ngô Anh Thuấn - Đội phó Đội 6, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết: Vài năm trước thực phẩm “bẩn” - chủ yếu là nội tạng động vật, “nhập chui” vào Việt Nam đa phần ướp formaldehyde (chất chống ôi thiu).
Tuy nhiên những năm trở lại đây, quá trình kiểm tra, bắt giữ các vụ vận chuyển thực phẩm “bẩn”, lực lượng công an lấy mẫu gửi cơ quan chuyên môn kiểm tra, không còn phát hiện loại hóa chất độc hại này. “Thực phẩm nhập lậu, đi đường dài nên chắc chắn có hóa chất chống ôi thiu, nhưng nó là loại gì, độc hại ra sao thì cơ quan chức năng chưa biết” - đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết.
Hơn 20 ngày qua, Công an Hà Nội phát hiện khoảng 10 vụ vận chuyển thực phẩm “bẩn”
Thiếu tá Ngô Anh Thuấn cho hay, lực lượng công an rất cố gắng để tìm ra tên loại hóa chất mới này, nhưng vẫn như “mò kim đáy bể”. Theo chỉ huy Đội 6, mỗi mẫu thực phẩm “bẩn” khi gửi đi phân tích, lực lượng chức năng phải “gợi ý” cho cơ quan kiểm nghiệm, kiểm tra theo các chỉ tiêu yêu cầu, bởi máy móc tại các phòng xét nghiệm không tự “đọc”, tự tìm ra được tên hóa chất.
Không chỉ tập trung bắt giữ nội tạng động vật, gia cầm “bẩn”, các lực lượng CATP cũng đang ráo riết xác minh, làm rõ đường dây vận chuyển sản phẩm động vật, gia cầm như: sụn gà, sụn lợn... có dấu hiểu “thẩm lậu” từ nước ngoài, không qua kiểm dịch vào Việt Nam.
Hoa quả từ các tỉnh biên giới phía Bắc “chảy” về các chợ lớn tại Hà Nội cũng nằm trong “nghi án” tẩm ướp hóa chất. Đơn vị đang có kế hoạch kiểm tra một số xe hoa quả từ biên giới về bán tại chợ Long Biên, song trước khi triển khai, trinh sát phải khoanh vùng cho được tên một số hóa chất bảo quản nghi vấn, gửi mẫu đi phân tích, trên cơ sở đó mới có căn cứ xử lý, cảnh báo tới người tiêu dùng - đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết thêm.
Theo Thu Hạnh (An ninh Thủ đô)