Đây là con số được Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46, Bộ Công an) đưa ra tại hội thảo “Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, buôn bán rượu và thuốc tân dược giả tại Việt Nam”, do Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an, phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức ngày 30-5 tại Hà Nội.
Theo đó, khảo sát của C46 cho thấy, việc nhái kiểu dáng, nhãn hiệu trước đây chỉ thực hiện trong nước với quy mô nhỏ, còn hiện nay đã thực hiện với quy mô lớn, được sản xuất ở nước ngoài và đưa vào Việt Nam tiêu thụ.
Hàng giả sản xuất từ nước ngoài được nhập vào Việt Nam phần lớn là thành phẩm hoàn chỉnh, còn được nhập khẩu bằng đường chính ngạch hoặc tiểu ngạch nhưng chủ yếu nhập lậu từ Trung Quốc (chiếm khoảng 80%).
Đáng chú ý, những sản phẩm này còn cạnh tranh trực tiếp với hàng chính hiệu như dầu gội đầu của Unilever Việt Nam, phụ tùng xe máy nhãn hiệu Honda, vòi sen tắm nhãn hiệu Joden, Sanwa, hóa mỹ phẩm hiệu Debon, Sishedo, phụ tùng ô tô Toyota, Daewoo, quần áo hiệu Gucci, Adidas, Nike, đồ điện gia dụng hiệu Phillips, National…
Hội thảo cũng đặt ra vấn đề yêu cầu hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả do hàng giả không chỉ gây thiệt hại ở phạm vi một quốc gia mà thiệt hại cả cộng đồng quốc tế.