(TNO) Các tuyên bố chính thức của giới lãnh đạo Trung Quốc hoặc bình luận của giới truyền thông được Bắc Kinh triển khai trong các cuộc khủng hoảng quốc tế tương quan với nguồn gốc thẩm quyền của những tuyên bố đó.
>> Giải mã tín hiệu chiến tranh của Trung Quốc - Kỳ 1 Tuyên bố của giới lãnh đạo Thẩm quyền trong các tuyên bố từ giới lãnh đạo phản ánh vị trí của mỗi lãnh đạo trong tổ chức đảng Cộng sản Trung Quốc hoặc chính phủ nước này. Ví dụ, tuyên bố của một bí thư đảng hoặc chủ tịch cấp tỉnh, thành ít thẩm quyền hơn tuyên bố của một ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương đảng hoặc ủy viên Quốc vụ.
Tuyên bố của những quan chức vừa mới nêu lại ít thẩm quyền hơn phát biểu của một ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị trong cơ cấu của đảng hoặc Thủ tướng Quốc vụ viện. Mọi tuyên bố trên đều ít thẩm quyền hơn tuyên bố của Tổng bí thư đảng hoặc Chủ tịch Trung Quốc.
Tương tự, quyền hạn của các lãnh đạo quân đội phản ánh tương quan vị trí của họ trong cơ cấu của quân đội Trung Quốc. Một tuyên bố của tư lệnh hoặc chính ủy quân khu không nghiêm trọng bằng tuyên bố của một tư lệnh hoặc chính ủy đại quân khu. Những tuyên bố này lại ít thẩm quyền hơn tuyên bố của Tổng tham mưu trưởng hoặc Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và kế đến là Quân ủy Trung ương và Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch của cơ quan quyền lực này.
Mọi tuyên bố và phát biểu của giới lãnh đạo mang tính chính thức trong những trường hợp sau đây:
- Tuyên bố của ủy viên Bộ Chính trị, quan chức nhà nước và lãnh đạo PLA trong cuộc gặp với khách nước ngoài.
- Phát biểu với các lãnh đạo nước ngoài trong các buổi tiệc chiêu đãi, họp báo và khi công du nước ngoài.
- Phỏng vấn với truyền thông trong nước và ngoài nước.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi - Ảnh: AFP |
Thông thường, mọi lãnh đạo đều chuyển tải lập trường thống nhất về vấn đề chính sách đối ngoại và điều này phản ánh sự đồng thuận về vấn đề trong giới lãnh đạo Trung Quốc.
Tuy nhiên, cần lưu ý đến nguồn gốc khi phân tích những tuyên bố đó. Những tuyên bố của lãnh đạo được truyền thông Trung Quốc chuyển tải, dù bằng tiếng Trung Quốc hoặc dịch ra tiếng nước ngoài, luôn mang tính chính thức vì chúng đã được hiệu đính và chuyển ngữ chính thức. Tuyên bố của các lãnh đạo được truyền thông nước ngoài tường thuật cũng mang tính chính thức song cần thận trọng vì sự thể hiện và cách chuyển ngữ chưa được Bắc Kinh hiệu đính để đăng tải.
Tuyên bố và phản đối về các cuộc khủng hoảng và tranh chấp được các cơ quan, thường là Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cân nhắc kỹ lưỡng trong hệ thống quyền hạn. Thấp nhất về quyền hạn là tuyên bố của “người phát ngôn Bộ Ngoại giao”. Kế đó là “tuyên bố của Bộ Ngoại giao”. Mọi tuyên bố này đều xếp dưới “tuyên bố của chính phủ nước CHND Trung Hoa”, tuyên bố cao nhất về mặt nhà nước.
Nhân dân Nhật báo Kênh có thẩm quyền đáng chú ý nhất trong giới truyền thông trước các tranh chấp và khủng hoảng quốc tế là tờ
Nhân dân Nhật báo, nhân danh Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, từ “thẩm quyền” chỉ đề cập duy nhất đến xã luận nhân danh tờ
Nhân dân Nhật báo, mà mở rộng ra là Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.
Phương tiện có thẩm quyền nhất trong lịch sử là “xã luận của ban biên tập”. Trong lịch sử, chúng rất hiếm khi xuất hiện và được để dành cho những vấn đề hệ trọng nhất trong quan hệ giữa các đảng Cộng sản trên thế giới.
Dưới cấp đó và thường xuyên xuất hiện hơn là các bài “xã luận” và cuối cùng là bài viết của “bình luận viên bản báo”.
Ngoài ra, còn có những phương tiện bình luận cũng không rõ là có đại diện cho tờ báo hay không song mang nhiều ý nghĩa hơn những bình luận thông thường. Chúng bao gồm các bài báo được ký tên là “người quan sát” hoặc “bình luận viên đặc biệt”.
Toàn bộ những nội dung khác trên tờ
Nhân dân Nhật báo, gồm cả các bình luận thông thường, các bài báo ký tên, và tường thuật không được xem là có thẩm quyền nhân danh lãnh đạo Trung Quốc và do đó thường không liên quan đến hệ thống cảnh báo của Bắc Kinh.
Những phương tiện truyền thông khác cũng thường xuất bản các bài bình luận về khủng hoảng quốc tế và những tranh chấp dính líu đến Bắc Kinh. Ví dụ như tờ
PLA Daily, các bài “xã luận” hoặc bài viết của “bình luận viên” thường đại diện cho chủ quản của tờ báo, tức Tổng cục Chính trị thuộc PLA.
Tuy nhiên, những bình luận đó cách biệt so với thẩm quyền trung tâm của tờ
Nhân dân Nhật báo và thường không liên hệ đến hệ thống cảnh báo của Bắc Kinh.
Cuối cùng, bình luận của Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận chính thức của Quốc vụ viện, thường không có thẩm quyền ngoại trừ một số trường hợp khi Tân Hoa xã phát đi dưới dạng những bình luận hoặc tuyên bố “được ủy nhiệm”.
Tuy nhiên, với sự phát triển của truyền thông, theo thời gian, đã có nhiều sự thay đổi về mô hình bình luận. Sự xuất hiện của tờ
Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm phụ của của tờ
Nhân dân Nhật báo, với nhiều bài báo kích động chiến tranh có thể được xem là một hình thái mới. Nhìn chung, những bài báo “giả thẩm quyền” như thế không được xem là thuộc hệ thống cảnh báo chiến tranh của Bắc Kinh dù chúng mang những từ ngữ kích động quen thuộc.
Cơ cấu những tuyên bố của lãnh đạo, phản đối chính thức và bình luận của truyền thông là sự bày binh bố trận theo ba tầng. Hệ thống này được thiết lập như một bậc thang về sự gia tăng phản ứng mà Bắc Kinh dùng để chuyển tải tính cấp thiết.
Khi Bắc Kinh cần ám chỉ việc sử dụng vũ lực, họ triển khai một loạt những lời đe dọa và cảnh báo trả đũa quen thuộc. Dưới đây là danh sách trật tự những lời đe dọa theo chiều hướng gia tăng:
- X “đang đùa với lửa” và có thể “bị cháy” - Cho đến nay Bắc Kinh đã “kiềm chế và nhẫn nại hết mức” song “đừng xem đó là biểu hiện của sự yếu ớt và phục tùng” - Đừng “bịt tai trước những cảnh báo của Trung Quốc”; Trung Quốc “không thể đứng yên” - “Các người muốn đi đến đâu? Hãy chờ rồi xem” - “Sự kiên nhẫn của Trung Quốc có giới hạn”; X “đang lừa dối chính mình khi nghĩ rằng chúng tôi yếu ớt và có thể bức hiếp” - Nếu X không dừng cách hành xử đó, họ “sẽ bị trừng phạt xứng đáng” - “Đừng phàn nàn về sau rằng chúng tôi không cảnh báo trước rõ ràng” - Chúng tôi đã bị “đẩy ra khỏi giới hạn nhẫn nại” và “buộc phải phản công”; “sự kiềm chế của chúng tôi bị xem là lời mời gọi cho việc bức hiếp; “cảnh báo của chúng tôi không được đếm xỉa” - “Chúng tôi sẽ không tấn công nếu chúng tôi không bị tấn công; nếu chúng tôi bị tấn công dứt khoát chúng tôi sẽ phản công” Phần nhiều những từ ngữ này có thể tìm thấy trong những bình luận cấp thấp vốn không đại diện cho thẩm quyền của nhà nước Trung Quốc. Những cảnh báo dạng này có thể được xem là biểu hiện lo ngại ở cấp thấp của Bắc Kinh song chúng không có trọng lượng như khi được biểu hiện trong các bình luận có thẩm quyền.
Bằng cách theo dõi những cấp độ thẩm quyền và nội dung các thông báo của giới lãnh đạo, các phản đối chính thức và bình luận của
Nhân dân Nhật báo và lưu ý đến những lời đe dọa và cảnh báo trả đũa trong đó, giới quan sát có thể đánh giá ý định và tính nghiêm trọng trong cách phản ứng của Bắc Kinh trước một cuộc tranh chấp hoặc khủng hoảng leo thang và phát hiện ra những ám chỉ đến việc sử dụng vũ lực. (
Còn tiếp)
Sơn Duân