Những chiếc ôtô chở theo hàng chục người của ngân hàng đồng loạt đến xiết nợ một công ty xuất khẩu cà phê lớn ở Bình Dương.
Chiều 6/6, trời đổ mưa to nhưng trụ sở Công ty TNHH Trường Ngân (khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương) náo nhiệt khi có hàng chục người đến đây để giải quyết món nợ tín dụng mà doanh nghiệp này đã vay.
Đại diện thu hồi nợ của 7 ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Quân đội MB, Ngân hàng Quốc tế VIB, ngân hàng Phương Đông OCB, Agirbank, Maritime Bank, Vietinbank và Techcombank đều cử lực lượng bảo vệ nhằm giám sát nhà kho - nơi được cho là còn hàng ngàn tấn cà phê tồn kho của doanh nghiệp. Thông tin ban đầu cho hay số hàng này đang được thế chấp tại một loạt ngân hàng trên.
|
Các ngân hàng đưa bảo vệ đến giám sát kho hàng. Ảnh: Nguyệt Triều. |
Hầu hết các ngân hàng đều khẳng định mình là “người đến trước”, tính pháp lý liên quan việc phát mãi tài sản đối với khối lượng hàng hoá thể hiện trong hợp đồng tín dụng của doanh nghiệp với ngân hàng mình.
“Doanh nghiệp là khách hàng thân quen của ngân hàng VIB từ năm 2005. Khi cho vay, chúng tôi đã có đầy đủ hồ sơ, hợp đồng theo quy định. Đến thời điểm xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp nợ ngân hàng gần 119 tỷ đồng, trong đó có 111 tỷ tiền nợ gốc ”, đại diện thu hồi nợ phía Nam của VIB nói
. Vụ tranh chấp trên chỉ yên lắng khi lực lượng công an có mặt, tổ chức họp bàn cùng các ngân hàng. Sau gần 2 giờ làm việc, Công an thị xã Dĩ An và đại diện thu hồi nợ của 7 ngân hàng thương mại đã quyết định đình chỉ mọi hoạt động xuất hàng hoá khỏi kho, chờ việc hợp bản kiểm kê trước sự có mặt của các ngân hàng, đồng thời sẽ tổ chức họp bàn để giải quyết liên quan đến vụ tranh chấp.
|
Dàn xế hộp của các ngân hàng đến xiết nợ. Ảnh: Nguyệt Triều |
Vụ tranh chấp còn xuất hiện những cán bộ thuộc Cục điều tra hình sự Bộ Quốc phòng, tuy nhiên đại diện của cơ quan này cho hay, qua thẩm tra vụ việc chỉ là tranh chấp dân sự, vì thế cơ quan này đã đứng ngoài cuộc.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Xuân Bình, chủ doanh nghiệp Trường Ngân xác nhận, món nợ cả gốc và lãi mà doanh nghiệp vay mượn của 7 ngân hàng là khoảng 600 tỷ đồng. Chủ doanh nghiệp này cũng thừa nhận, do làm ăn thua lỗ, hàng tồn nhiều cộng với lãi suất cao khiến doanh nghiệp mất khả năng thanh khoản.
"Thời điểm làm ăn hưng thịnh, trung bình mỗi năm chúng tôi xuất khẩu khoảng 70.000 tấn cà phê đi thị trường các nước. Hiện số cà phê tồn trong kho là khoảng 4.000 tấn, trị giá mỗi tấn khoảng 39 triệu đồng”, ông Bình chia sẻ.
Nguyệt Triều