TNO) Sau bãi cạn Scarborough, có thể bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) sẽ trở thành điểm nóng an ninh thứ 2 tại biển Đông, theo một bài viết được đăng tải trên website của tổ chức nghiên cứu ở Mỹ Jamestown Foundation hôm 21.6.
Nằm cách đảo Palawan của Philippines 105 hải lý,
bãi Cỏ Mây, có tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal, là rạn san hô dài 15 km và rộng 5 km nằm trên cửa ngõ chiến lược đến bãi Cỏ Rong, khu vực được cho là có trữ lượng dầu khí lớn.
Từ bãi cạn Scarborough đến bãi Cỏ Mây Vào năm 1999, Philippines đã cho tàu BRP Sierra Madre, là tàu vận tải đổ bộ thời Thế chiến thứ hai, ủi thẳng vào bãi Cỏ Mây nhằm thiết lập sự hiện diện tại khu vực này. Từ đó đến nay, dù đã rỉ sét nhưng chiếc tàu chiến vẫn là căn cứ đồn trú của một tiểu đội thủy quân lục chiến Philippines.
Vào đầu tháng 5.2013, Philippines đã chính thức trao công hàm phản đối cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila về việc một tàu chiến cùng hai tàu hải giám của Trung Quốc đã tuần tra bất hợp pháp và phong tỏa việc tiếp tế hậu cần cho các binh sĩ thủy quân lục chiến của Philippines tại khu vực nói trên, theo
Manila Times.
Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố bãi Cỏ Mây là “một phần không thể tách rời của Philippines”, và yêu cầu Trung Quốc phải “rút ra khỏi khu vực này vì nó thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines", theo nhật báo
Philippine Daily Inquirer.
Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines
Voltaire Gazmin cũng tuyên bố “sẽ chiến đấu cho đến người lính cuối cùng để bảo vệ chủ quyền đất nước".
Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn ra tuyên bố về cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" ở khu vực bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi còn ngang ngược khẳng định là các tàu công vụ Trung Quốc “có quyền” tuần tra trong khu vực bãi Cỏ Mây.
Chiếc tàu được Philippines sử dụng làm căn cứ ở bãi Cỏ Mây - Ảnh: AFP |
Các sự kiện này đến trong bối cảnh căng thẳng vẫn còn chưa hạ nhiệt sau cuộc đối đầu bế tắc giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough hồi năm ngoái.
Sau cuộc đàm phán ngầm do Mỹ làm trung gian, Manila và Bắc Kinh đã đạt được một thỏa thuận miệng để rút tàu của hai bên ra khỏi khu vực
bãi cạn Scarborough.
Và vào đầu tháng 6.2013, Philippines đã chấp hành thỏa thuận nói trên. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã không giữ lời hứa. Tàu công vụ Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì sự hiện diện tại bãi cạn Scarborough. Báo cáo gần đây cho thấy Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng cố định trên khu vực này, theo
Philippine Daily Inquirer.
“Chiến lược bắp cải” của Trung Quốc Sau khi kiểm soát thành công bãi cạn Scarborough, các chuyên gia Trung Quốc đã hết lời ca tụng và xem đó như là cuộc diễn tập phô trương sức mạnh một cách khéo léo của chính phủ Trung Quốc. Trong những tuần gần đây, đã có những lời kêu gọi áp dụng chiêu bài bãi cạn Scarborough vào khu vực bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thiếu tướng hải quân đồng thời là một bình luận viên quân sự thuộc phái diều hâu của Trung Quốc Trương Triệu Trung đã đề xuất sử dụng “chiến lược bắp cải" đối với bãi Cỏ Mây.
Theo chiến lược nói trên thì Trung Quốc sẽ cho bao bọc bãi cạn này bằng các lớp tàu khác nhau, với lớp trong cùng là các tàu cá, rồi đến các tàu hải giám, và các tàu hải quân sẽ tạo thành lớp ngoài cùng. Mục tiêu của chiến lược này là nhằm ép buộc thủy quân lục chiến của Philippines phải rời bỏ tàu căn cứ vì thiếu tiếp tế hậu cần.
Nếu phương pháp nói trên không thành công, các chuyên gia khẳng định chính phủ Trung Quốc nên xem xét đến việc kéo tàu BRP Sierra Madre ra khỏi khu vực bãi cạn, nhưng hành động này có nguy cơ dẫn đến xung đột và tăng cường sự hiện diện của thủy quân lục chiến vũ trang của Philippines, theo
CCTV-4.
Thử thách cho mối quan hệ Mỹ - Nhật - Philippines Washington dù không có vị thế chính thức trong các tuyên bố chủ quyền đang tranh chấp ở biển Đông, nhưng có hiệp ước đồng minh với Philippines, mà theo lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thì hai nước sẽ cùng "sát cánh chống lại bất kỳ nỗ lực áp bức nhằm thay đổi hiện trạng".
Vừa qua, trong khi tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Hagel đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Philippines Voltaire Gazmin về mối quan hệ Mỹ - Philippines, và tái khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung ký hồi năm 1954 giữa hai nước.
Theo một phát ngôn viên Lầu Năm Góc, hai người đã "thảo luận về việc tăng cường hợp tác quốc phòng song phương theo hướng gia tăng sự hiện diện luân phiên của lực lượng Mỹ để giải quyết những thách thức chung", theo
Philippine Daily Inquirer.
Mặc dù Washington gần đây đã gia tăng viện trợ quân sự cho Philippines, nhưng vẫn chưa rõ liệu Mỹ có áp dụng Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Philippines và Trung Quốc tại khu vực bãi Cỏ Mây hay không, theo
New York Times.
Trong vụ căng thẳng tại bãi cạn Scarborough hồi năm ngoái, Mỹ đã gửi một tàu sân bay đến khu vực này như một tín hiệu hỗ trợ cho Manila và nhằm ngăn chặn sự áp bức cũng như xâm chiếm của Trung Quốc, nhưng cuối cùng Mỹ đã không bảo vệ được lợi ích của đồng minh.
Như trường hợp bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh hiện sẵn sàng để khai thác bất kỳ hành động nào mà theo nhận thức của họ là có ý khiêu khích ở bãi Cỏ Mây, với mục tiêu tạo ra một hiện trạng mới có lợi cho Trung Quốc.
Chiến lược này đã được Trung Quốc áp dụng ở biển Hoa Đông vào tháng 9.2012, sau khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa ba đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Khi đó, việc tuần tra thường xuyên của tàu Trung Quốc quanh những hòn đảo này, thậm chí vào cả trong khu vực lãnh hải 12 hải lý do Nhật kiểm soát, đã thiết lập một hiện trạng mới có lợi cho Bắc Kinh.
Trong khi đó, các tuyên bố lặp đi lặp lại của Mỹ về việc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc phạm vi bảo vệ của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật đã không ngăn cản được Bắc Kinh tiến hành tuần tra gần như hàng ngày để khẳng định chủ quyền.
Có thể thấy rằng, Trung Quốc đang đặt cược khi cho rằng Mỹ sẽ không sẵn sàng can thiệp để duy trì sự hiện diện của Manila ở bãi Cỏ Mây. Có lẽ Washington sẽ tiếp tục lên tiếng chống lại việc sử dụng vũ lực để cưỡng ép nhằm thay đổi hiện trạng đơn phương, nhưng không chắc rằng tàu hải quân Mỹ sẽ tham gia đối đầu trực tiếp với tàu công vụ Trung Quốc tại các bãi cạn ở biển Đông.
Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự Hải quân Philippines rõ ràng là thua xa hải quân Trung Quốc, và thiếu khả năng bảo vệ sự hiện diện của mình trong trường hợp Trung Quốc quyết tâm đánh bật Manila ra khỏi bãi Cỏ Mây. Hiện có hai kịch bản cho một cuộc giao tranh quân sự tiềm năng giữa Philippines và Trung Quốc.
Thứ nhất, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục phong tỏa việc tiếp tế hậu cần cho binh sĩ Philippines tại bãi Cỏ Mây, Manila có thể sẽ sử dụng trực thăng để thực hiện việc tiếp tế. Sự can thiệp của Trung Quốc vào các hoạt động này có thể dẫn đến giao tranh bằng hỏa lực và xảy ra thương vong.
Thứ hai, nếu Philippines cố gắng xây dựng cơ sở hạ tầng ở bãi Cỏ Mây, thì Bắc Kinh có khả năng sẽ nắm bắt cơ hội này để công khai buộc tội Philippines là có hành động khiêu khích để khởi động cái gọi là “chiến lược bắp cải" của mình.
Cả hai kịch bản nói trên đều có nguy cơ dẫn đến leo thang xung đột quân sự. Và ngay cả khi tránh được xung đột, thì căng thẳng tăng cao vẫn có thể là một đòn giáng vào những nỗ lực khởi động các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và các thành viên của ASEAN tại biển Đông.
Như vậy, khi triển khai lực lượng tàu hải giám tại biển Đông và biển Hoa Đông để thay đổi hiện trạng có lợi cho mình, Trung Quốc đã đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với chính quyền của Tổng thống Barack Obama cũng như chiến lược "tái cân bằng" với các ưu tiên chính sách đối ngoại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Theo nhận định của hai tác giả Bonnie S. Glaser và Alison Szalwinski trên website của Jamestown Foundation, Washington thiếu một chiến lược hiệu quả để ngăn chặn việc Trung Quốc sử dụng vũ lực nhằm cưỡng buộc và nỗ lực thay đổi hiện trạng đơn phương đối với các đảo, rạn san hô và bãi đá ngầm tranh chấp với các nước láng giềng ở biển Đông.
Nguyên Giang