(Dân trí) - Với diễn biến phức tạp, bão số 2 đã chuyển hướng đổ bộ từ tỉnh Quảng Ninh sang TP Hải Phòng. Hoàn lưu trước bão đã gây mưa và gió lớn tại nhiều khu vực. Đặc biệt, triều cường dâng cao đã khiến nước ngập, “bủa vây” trung tâm huyện đảo Cát Hải.
Tại Hải Phòng, lúc 13h chiều nay, bão số 2 đã ảnh hưởng trực tiếp tới đảo Cát Hải. Sóng to kết hợp triều cường dâng cao từ 3 đến 4 mét, đánh qua khu vực kè đá tuyến đường 2B và tuyến đê kè Cái Vỡ - Gia Lộc. Nước biển chảy mạnh, tràn vào khu dân cư gây ngập lụt tại một số khu dân cư và nhiều tuyến đường tại thị trấn Cát Hải.
Triều cường dâng cao tràn qua đê kè tại huyện đảo Cát Hải
Nước dâng cao từ 0,3 đến 0,7 m, chỗ sâu đến hơn 1m. Giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn. Lúc này tại đảo Cát Hải trời có mưa nhỏ, gió mạnh dần lên cấp 5, cấp 6. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn huyện Cát Hải huy động lực lượng, phương tiện vật tư đối phó với bão số 2.
Người dân các khu vực xung yếu của thị trấn Cát Hải, xã Hoàng Châu, Văn Phong, Nghĩa Lộ đã được hỗ trợ sơ tán về các điểm tránh trú bão an toàn, đảm bảo các điều kiện lương thực thực phẩm và các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu khác. Đến thời điểm hiện tại triều cường vẫn tiếp tục dâng cao.
Tình hình triều cường vượt đê biển tràn nước vào khu dẫn cư cũng diễn ra tại quận Đồ Sơn. Trao đổi với PV Dân trí chiều nay 23/6, ông Hoàng Đình Bình - Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết gió tại đây đang khoảng cấp 5 đến cấp 6, trời đang có mưa.
Nước "bủa vây" trung tâm huyện đảo Cát Hải.
Ông Bình cho biết, triều cường dâng cao cùng sóng biển đánh lớn đã ập qua một số đoạn đê bao gây ngập úng một số khu vực gây thiệt hại ban đầu về tài sản.
UBND quận Đồ Sơn cũng đã thực hiện phương án di dân tại chỗ đến các nhà cao tầng, trường học, trụ sở ủy ban ngay trong từng khu vực. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ tàu thuyền đã về nơi tránh trú và chằng buộc an toàn.
Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, ông Bùi Đức Quang - Bí thư huyện ủy cho biết, gió đã bắt đầu có xu hướng mạnh lên tới cấp 7, cấp 8. Trời vẫn tiếp tục mưa. Chính quyền huyện đảo đã phối hợp cùng người dân cẩu toàn bộ hơn 200 tàu thuyền lên bờ, chằng néo nhà cửa đón bão.
Tại Quảng Ninh, do bão số 2 đột ngột chuyển hướng nên đến thời điểm hiện tại, trời vẫn chỉ có mưa nhỏ tại nhiều khu vực. Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Thành - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô cho biết: Đến chiều nay, tại đảo Cô Tô, gió giật đến cấp 6, cấp 7. Mưa nhỏ tiếp diễn và chưa có thiệt gì.
Khẩn trương thi công bờ kè trước giờ bão số 2 đổ bộ tại Nam Định
Tại Nam Định, có 2 khu vực đê kè xung yếu, đang thi công tại huyện Nghĩa Hưng có thể bị ảnh hưởng lớn từ bão số 2 đều. Ngoài ra, đê Cồn Xanh thuộc xã Nam Điền đang triển khai thi công lát mái đê. Đến trưa 23/6, đơn vị thi công đê Cồn Xanh đã chuẩn bị 20.000 m2 vải lọc chống tràn, 2.000 cấu kiện bê tông đúc sẵn, 5.000 m3 đất, 2.000 bao tải, 500 m3 đá hộc, 400 chiếc rọ đá; nhân lực, phương tiện, máy xúc và ô tô sẵn sàng cho công tác xử lý chống tràn qua đê.
Theo thông tin từ Bộ đội biên phòng Nam Định, đến 11 giờ sáng nay vẫn còn 25 tàu, thuyền và 216 người đang ở các đầm, bãi, chưa trở về đến đất liền. Bộ đội biên phòng Nam Định đã tổ chức lực lượng ra tận nơi vận động, yêu cầu số phương tiện và người nói trên khẩn trương vào bờ.
Cũng trong buổi sáng nay, tỉnh đã sơ tán xong trên 7.000 dân ở ngoài tuyến đê chính, ở vùng cửa sông, vùng nuôi ngao vào nơi an toàn.
Tàu thuyền đã trở về trú ẩn an toàn
Tại Thái Bình, sáng nay, việc di dời dân đang sinh sống, làm việc ngoài đê vào sâu trong nội đồng trước khi bão số 2 đổ bộ được thực hiện khẩn trương.
Theo thông tin từ Điện lực Thái Bình, hồi 14 giờ chiều qua 22/6, gió lốc kèm theo mưa lớn đã làm mất điện cục bộ tại một số xã thuộc huyện Tiền Hải, Kiến Xương và Vũ Thư. Đến 17 giờ cùng ngày, ngành điện mới khắc phục được sự cố và cấp điện trở lại bình thường.
Anh Thế - Quốc Đô - Ngọc Hưng