(GDVN) - "Các quốc gia Đông Nam Á không muốn phải đưa ra sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc bởi điều này cuối cùng sẽ làm giảm sự đoàn kết, tính trung lập và vai trò trung tâm của ASEAN".
Sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông có thể làm phức tạp khả năng quản lý xung đột trong khu vực của ASEAN, Jakarta Post ngày 22/6 dẫn lời một học giả Singapore cho biết. Ralf Emmers thuộc đại học Công nghệ Nam Dương tại Singapore lưu ý rằng Trung Quốc chắc chắn đã trở thành một cường quốc đang lên quan trọng của thế giới.
Để đối phó với Trung Quốc, Mỹ công bố điều chỉnh "trục chiến lược" sang châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2011 và triển khai 60% sức mạnh hải quân tới khu vực này. Động thái trên đã dẫn đến sự cạnh tranh đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
ASEAN có một lịch sử lâu dài trong việc quản lý các khả năng xung đột trong khu vực có thể phải đối mặt với những thách thức, khó khăn mới trong nỗ lực ngăn chặn sự leo thang căng thẳng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
"Các quốc gia Đông Nam Á không muốn phải đưa ra sự lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc bởi điều này cuối cùng sẽ làm giảm sự đoàn kết, tính trung lập và vai trò trung tâm của ASEAN", Emmer nói tại hội thảo quốc tế "Đoàn kết ASEAN và các thách thức hàng hải ở Biển Đông và châu Á - Thái Bình Dương" tại Bangkok hôm thứ Năm vừa qua.
Hội thảo được tổ chức trong 1 ngày bởi sự kết hợp giữa Trung tâm nghiên cứu An ninh ASEAN - Ấn Độ và Trung tâm nghiên cứu Chiến lược châu Á tại Bangkok.
"Cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng quyền tự chủ chiến lược của các nước ASEAN trong việc quản lý tranh chấp khu vực", Emmers nói.
Mặc dù vậy, Ralf Emmers cho biết sự hiện diện của các nước lớn có liên quan ở Biển Đông sẽ đóng góp tích cực cho hòa bình và an ninh khu vực, nổi bật là vai trò của Indonesia.
Hồng Thủy (Nguồn: Jakarta Post)