Cách thức "Bà Tưng" tận dụng Facebook được nổi tiếng bị đánh giá là tiêu cực, nhưng việc cô gái này nhận ra những cơ hội lớn mà truyền thông mới mở ra là tích cực. Ai cũng có thể lên tiếngMột cô gái biệt danh "Bà Tưng" xuất bản một đoạn clip chỉ ngắn hơn một phút lên Facebook với hình ảnh chính mình "thả rông vòng một" nhảy múa trong phòng ngủ vào ngày 16/6. Sau chưa đầy hai tuần, chỉ trên Facebook của cô, đoạn clip được hơn 30.000 người thích, gần 3.000 người chia sẻ và hơn 8.000 bình luận.
Bằng đoạn clip trên và một vài nội dung câu khách khác, Facebook của cô đã có hơn 180.000 người theo dõi. Gần như toàn bộ các tờ báo điện tử và trang thông tin điện tử lớn nhỏ đều đưa tin và nhiều bình luận về hiện tượng "Bà Tưng" và đặt bài ở những vị trí quan trọng trên trang chủ, như một sự kiện ở... tầm quốc gia.
Việc một "Bà Tưng" chỉ với công cụ mạng xã hội và các kỹ thuật PR không phức tạp đã đủ làm huyên náo cả truyền thông chính thống lẫn phi chính thống đặt ra một vấn đề lớn hơn chuyện đạo đức của một cô gái, lớn hơn cả chuyện đạo đức của một nền báo chí khi đăng tải những thông tin như vậy. Đúng hay sai, tốt hay xấu thì một thực tế đã nảy sinh: ai cũng có thể lên tiếng và được lắng nghe trên truyền thông ngày nay, nếu biết tận dụng đúng kênh và đúng cách.
Giáo sư Henry Jenskin, Viện Đại học Công nghệ Massachussetts viết: "Thế giới chúng ta đang sống là nơi mà mỗi câu chuyện, mỗi hình ảnh, mỗi âm thanh, mỗi thương hiệu và các mối quan hệ đều được chảy trên tất cả các kênh truyền thông khác nhau, và dòng chảy ấy được định hình và quyết định từ phòng ngủ của các cô/cậu choai choai chẳng kém gì từ phòng họp của các tập đoàn truyền thông."
Ông đã đúng, quyết định tự khoe thân từ phòng ngủ của "Bà Tưng" đã khuynh loát truyền thông đại chúng, cho dù không có cuộc họp của ban biên tập tờ báo nào chỉ đạo phải đăng.
|
"Bà Tưng", cô gái khuynh loát truyền thông thời gian qua |
Chỉ năm mười năm trước, một cô gái như "Bà Tưng" không có công cụ gì để được nổi bật một cách nhanh chóng như vậy.
Giờ đây, cô có Facebook. Nếu không có Facebook, cô vẫn còn YouTube. Nếu không có YouTube, cô có Pinterest, Instagram. Mất hết, cô lại có Blogspot, WordPress, Twitter, diễn đàn mạng và vô số các công cụ truyền thông tương tác khác mà thời đại Internet đang tiếp tục mở ra.
Một thời đại truyền thông mới với nhiều tên gọi khác nhau: thời đại tương tác, kỷ nguyên truyền thông tham gia, nền văn hoá tích hợp. Cho dù ở tên gọi nào thì đặc điểm cơ bản vẫn là: quần chúng không còn là những độc giả bị động nữa, mà chủ động tham gia quá trình chọn lọc, sản xuất, bình luận và phát tán nội dung thông điệp.
"Không nên vì bị nghẹn mà bỏ ăn cơm"Ở thời đại báo in, độc giả chỉ có quyền đọc lặng lẽ. Ở thời đại phát thanh, thính giả chỉ có quyền nghe lặng lẽ. Ở thời đại truyền hình, khán giả chỉ có quyền xem lặng lẽ.
Thời đại Internet phá vỡ mọi lặng lẽ. Độc giả sẽ không còn chịu "ngồi im" nữa để nghe báo đài muốn phát gì thì phát, nói gì thì nói, viết gì thì viết. Giờ đây, họ "nổi loạn" bằng những bình luận trên mạng. Không chỉ bình luận, họ tự sản xuất nội dung và xuất bản trên vô số kênh đa dạng.
Quá trình truyền thông không còn là sự phát tán một chiều, mà giờ đây là sự tương tác hai chiều và đa chiều. Kỷ nguyên dân chủ hoá thông tin được nhà nghiên cứu truyền thông Joshua Meyrowitz nhận định từ năm 1985 đã mở ra, cho phép "những người thấp nhất trong nấc thang xã hội cũng có thể tiếp cận với lượng thông tin lớn" và "tăng cường các cơ hội để thông tin được chia sẻ theo chiều ngang" thay vì phải đi qua các kênh phát chính thống theo chiều dọc.
Báo chí chính thống không còn cách nào khác ngoài phối hợp và tận dụng các công cụ truyền thông mới, về cả kỹ thuật lẫn nội dung, để tự làm mới mình, tránh rơi vào thế yếu so với sự bùng nổ của mạng xã hội. Sự hội nhập này thể hiện trong sự kiện "Bà Tưng" khi báo chí lấy thông tin từ mạng xã hội và ngược lại mạng xã hội phát tán lại các đường link từ báo chí. Quá trình này được nhà nghiên cứu truyền thông Henry Jenskin gọi là nền văn hoá tích hợp, trong đó truyền thông là sự kết hợp giữa "cả quá trình định hướng từ trên xuống của cơ quan truyền thông và định hướng từ dưới lên của người tiêu dùng".
Sự kiện "Bà Tưng" dù bị đánh giá tiêu cực cũng là một chỉ dấu tiếp nữa cho thấy làn sóng dân chủ hoá và tích hợp thông tin đã lan toả tới Việt Nam, và sẽ tiếp tục lan toả mạnh trong thời gian tới. Làn sóng này có thể mang tới những đặc điểm tiêu cực như sự sai lệch hay bóp méo thông tin, sự phân cực và đối kháng trong bình luận, sự nổi lên của giật gân và lá cải...
Mất kiểm soát và phi tiêu chuẩn là những đặc trưng được đánh giá là thiếu tích cực của giai đoạn truyền thông mới hiện nay. Tuy vậy, cố tình ngăn chặn làn sóng ấy là bất khả, bởi nó có quy mô toàn cầu và sức mạnh hoàn toàn không kém gì sự xuất hiện của báo in hay TV vào thế kỷ trước.
Thay vì tìm cách ngăn chặn, những nhà quản lý, những người làm truyền thông và cả người tiêu dùng có thể khai thác triệt để những lợi điểm chưa từng có của truyền thông mới. Facebook không nên được nhìn nhận như một hiểm họa, mà ngược lại là kênh tiếp thị cực rẻ và hiệu quả cho doanh nghiệp và tổ chức.
Thay vì bôi bác "Bà Tưng", doanh nghiệp và tổ chức có thể đặt câu hỏi liệu có cách nào không để qua Facebook sản phẩm và dịch vụ của mình có thể được công chúng biết tới nhanh như thế, và rẻ như thế. Thay vì bỉ bai "Bà Tưng", các nhà hoạt động xã hội có thể tự hỏi liệu có cách nào để tiếng nói của họ được lắng nghe rộng rãi như thế thông qua truyền thông mới.
Các nhà quản lý phải cưỡi lên ngọn sóng dân chủ hoá thông tin này, thay vì đi ngược lại dòng chảy của nó. Bởi nói như Đặng Tiểu Bình khi đối mặt với những biểu hiện tiêu cực của quá trình đổi mới Trung Quốc vào những năm 80 của thế kỷ trước: "Không nên vì bị nghẹn mà bỏ ăn cơm".
Khánh Duy