Toàn miền Bắc chỉ tự cung ứng 30-40 tấn cá và cũng không tiếp nhận nguồn hàng từ miền Nam, nhưng có siêu thị nhập tới 50-70 tấn mỗi tháng. Quản lý thị trường cho biết sẽ sớm rà soát tình hình.
Thông tin được ông Lê Anh Đức, Chủ tịch Tập đoàn Cá tầm Việt Nam đưa ra trong cuộc gặp giữa các hiệp hội và doanh nghiệp mới đây khiến không ít người giật mình. Ông khẳng định các chợ thực phẩm lớn, siêu thị và ngay cả hệ thống phân phối Metro tại miền Bắc phần lớn bán cá tầm nhập lậu.
Theo ông Đức, Metro ở khu vực phía bắc nhập khoảng 50 - 70 tấn mỗi tháng. Trong khi đó, toàn khu vực miền Bắc sản lượng nuôi không quá 30 - 40 tấn. Ông cũng cho biết, Tập đoàn Cá tầm (chiếm 70-80% thị phần trong nước) không cung cấp hàng cho Metro. "Còn chuyện vận chuyển từ phía Nam ra ngoài Bắc thì hoàn toàn không có", ông Đức nói.
|
Cá tầm Trung Quốc bị nghi bán trong cả siêu thị. Ảnh: Anh Quân |
Ông Đức cũng cho biết, cá tầm tại Metro có thể đưa ra giấy tờ xuất xứ từ Lào Cai, nhưng các trang trại ở đây lại chẳng hề nuôi. "Tôi từng lên một trang trại nuôi cá tầm ở Bắc Giang. Trang trại này chỉ có vài chục khối nước, đủ nuôi vài chục con cá tầm nhưng một ngày vẫn viết hóa đơn xuất 3 - 5 tấn", ông Đức dẫn chứng.
Ông Nguyễn Trọng Cử, Giám đốc Công ty Việt Đức - đơn vị cung cấp giống cá tầm duy nhất tại miền Bắc cũng cho biết, đã quan sát bể cá tầm của Metro và khẳng định đó là cá Trung Quốc, vì đây là giống cá lai.
Trao đổi với VnExpress.net sáng 8/7, ông Khuất Quang Hưng, đại diện truyền thông của Metro khẳng định cá tầm trong kho đều có chứng từ nhập của các đơn vị trong nước. "Hiện có 3 đơn vị cung cấp cá tầm cho Metro. Mọi sản phẩm chúng tôi bán đều có hóa đơn, chứng từ, cam kết nguồn gốc của bên cung hàng", ông Hưng khẳng định.
Theo ông, ở khu vực phía Bắc, Metro nhập hàng từ Công ty TNHH Dịch vụ Xuất nhập khẩu Hà Nội (Hasimex) và Công ty TNHH Thực phẩm Hiếu Ngân. Nguồn hàng có xuất xứ từ các tỉnh Lào Cai, Sơn La và Yên Bái. Hiện tại cả Metro Hoàng Mai và Metro Thăng Long đều đang bán cá tầm với giá niêm yết 197.000 đồng một kg.
Tại phía Nam, đơn vị này mua qua 2 nhà cung cấp với xuất xứ mặt hàng từ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, ông Hưng cho biết, tới đây, Metro sẽ tiến hành kiểm tra, thậm chí là đến tận nơi nuôi trồng để xác minh lại nguồn hàng đang bán một cách chính xác nhất.
Tại TP HCM, đại diện siêu thị Big C khẳng định không bán mặt hàng này vì người tiêu dùng ít quan tâm tới cá tầm. Đại diện siêu thị Co.opmart cũng cho biết chỉ mới bán cá tầm được khoảng 3 tháng và thử nghiệm trên 4-5 hệ thống siêu thị. Vì sức mua yếu nên mỗi siêu thị chỉ bán được 8-10kg một ngày. Nguồn gốc sản phẩm tại đây do Công ty Mai Trang ở Lâm Đồng cung cấp. Đại diện siêu thị này còn cho biết thêm, vẫn chưa có ý định ngưng bán sản phẩm này vì có nguồn gốc và giấy chứng nhận rõ ràng.
Còn tại Lotte Mart, đại diện siêu thị cho biết đã ngừng bán sản phẩm này từ cách đây khoảng một tuần do nghi ngờ có xuất xứ từ Trung Quốc. "Nguồn hàng vào siêu thị tuy lấy từ các nhà cung cấp tại Đà Lạt, nhưng cũng rất khó xác định 100% là hàng trong nước hay đã bị trà trộn cá Trung Quốc vào", vị này nói. Lotte từng bán cá tầm cho người tiêu dùng với giá 320.000-350.000 đồng một kg.
Ông Phan Hoàng Kiếm, Trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cho hay, chi cục cũng mới nhận được thông tin và đang xem xét và thu thập thêm. Trong tuần này, chi cục sẽ phối hợp với ngành thủy hải sản để làm rõ thông tin và lên kế hoạch kiểm tra.
Một lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ kiểm tra một số siêu thị bán mặt hàng cá tầm để làm rõ nguồn gốc sản phẩm.
Tại cuộc gặp ngày 7/7, các chuyên gia, doanh nghiệp đưa thêm nhiều số liệu chứng minh tình trạng nhập lậu cá tầm diễn ra khá nghiêm trọng. Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng dẫn chứng mỗi ngày các đơn vị nuôi trồng trong nước cung cấp 2 - 3 tấn cá tầm thương phẩm ra thị trường, tuy nhiên, mức tiêu thụ hiện lên tới 10 - 16 tấn.
Trước đó, ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Cơ quan Quản lý của Việt Nam thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites) cũng khẳng định cơ quan này chưa hề cấp phép nhập khẩu cá tầm thương phẩm cho bất kỳ đơn vị hay cá nhân nào.
Liên quan đến chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản cho biết, Chi cục này tại Hà Nội đã lấy 30 mẫu gồm cá tầm, trê và cá quả bán tại các chợ ở Hà Nội đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, một mẫu cá tầm, một mẫu cá trê nhiễm kháng sinh Leuco Malachite Gree; 2 mẫu cá quả nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm AOZ.
Ông Tiệp cho biết, 2 loại hóa chất trên dùng trong việc trị bệnh cho cá. Tuy nhiên, tại Việt Nam, từ năm 2007 loại này bị cấm sử dụng do những tác động xấu đến sức khỏe con người.
Ngọc Minh - Thi Hà