Hạ tầng cơ sở khu đô thị mới bị chủ đầu tư “độc quản”, vi phạm xây dựng nhưng không bị ngăn chặn kịp thời, không rõ vai trò của người dân trong sở hữu căn hộ chung… là thực tế đang xảy ra mà pháp luật về xây dựng chưa điều chỉnh. Luật Xây dựng cũng cần được bổ sung những quy định để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với những mẫu nhà dân dụng chuẩn, an toàn.
Luật Xây dựng không nên “ôm” cả quy hoạch Bộ Xây dựng đang xây dựng Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung nhằm thay thế cho luật hiện hành từ tháng 7/2004. Dự thảo có 11 chương và 132 điều, với nhiều điều khoản sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các đạo luật khác như Quy hoạch đô thị, Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Đầu tư, Đấu thầu. Dự thảo mới nhất vẫn “ôm” khá nhiều các quy định chi tiết như: Nội dung Giấy phép xây dựng, hợp đồng xây dựng, lập quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng…
"Thời gian qua, vi phạm trong lĩnh vực xây dựng xảy ra nhiều một phần do chế tài của chúng ta chưa đủ, chưa nghiêm. Tại sao không đưa vào quy định chế tài xử lý vi phạm đối với nhà thầu, người quản lý, người dân… vào Dự thảo Luật Xây dựng? Luật Xây dựng của Trung Quốc, Nhật Bản đều có một chương riêng về chế tài”. Bà Đặng Hoàng Mai - Giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội |
Theo TS. Phạm Sỹ Liêm- Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Luật Xây dựng chỉ là một văn bản bản trong hệ thống luật về xây dựng, cho nên không cần thiết và không nên “ôm” hết. Ví dụ như hợp đồng xây dựng là văn bản do hai bên dân sự thỏa thuận với nhau, Nhà nước không nên quy định chi tiết những nội dung của hợp đồng. ”Ở nhiều nước, Luật Xây dựng không điều chỉnh khâu quy hoạch và lập dự án đầu tư xây dựng, vì quy hoạch thuộc hoạt động sử dụng đất đai, còn lập dự án là hoạt động kinh doanh, do luật khác điều chỉnh. Thay vào đó, Luật nên có một chương về chất lượng, an toàn và mỹ quan kiến trúc của công trình xây dựng nói chung và nhà cao tầng, công trình công cộng tập trung đông người nói riêng” - TS. Phạm Sỹ Liêm đề xuất.
Vấn đề thời sự khác mà Dự thảo Luật chưa bổ sung quy định điều chỉnh là hầu hết dự án chung cư, khu đô thị mới đã xây dựng xong và bàn giao cho người mua sử dụng nhưng chủ đầu tư không bàn giao dự án, hạ tầng kỹ thuật, công trình phúc lợi cho chính quyền địa phương quản lý, gây mất ổn định an ninh trật tự khu vực, thất thoát thuế nhà đất, không quản lý được các biến động về nhà đất, gây khó khăn cho người dân mới đến cư trú trong việc sinh hoạt, học hành… Điển hình như Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, 17 năm mới bàn giao cho chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Văn Minh - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng: “Để chấm dứt tình trạng này, cần bổ sung quy định: Người quyết định đầu tư xây dựng có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư bàn giao dự án, hạ tầng kỹ thuật, và các công trình phúc lợi, công cộng cho chính quyền địa phương quản lý theo quy định của pháp luật”.
Mặt phố xấu xí vì luật xây dựng không điều chỉnh
Dân cần mẫu nhà chuẩn Ông Nguyễn Văn Minh cũng cho biết, nhiều nước trên thế giới ban hành những mẫu thiết kế nhà chuẩn để người dân có thể tự lựa chọn phù hợp với điều kiện xây dựng của mình. Vì thế, nên chăng cũng cần quy định này, tạo điều kiện người dân tiết kiệm chi phí thiết kế, rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục xây dựng và nâng tính an toàn trong xây dựng.
Người dân (chủ sở hữu công trình) cũng được thể hiện rõ vai trò của mình để giảm bớt cơ chế xin - cho trong các quá trình xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam cho rằng: “Cần định nghĩa rõ các chủ thể “chủ đầu tư xây dựng”, “người quyết định đầu tư”, “người có thẩm quyền quyết định đầu tư”, đặc biệt là khái niệm “chủ đầu tư xây dựng”. Bởi, sự hiểu không đúng các khái niệm này sẽ dẫn đến quy định sai bản chất về “quyền và nghĩa vụ” của Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các cấp và quyền của dân trong quản lý đầu tư xây dựng. Vai trò của nhân dân (chủ sở hữu) còn chưa rõ ràng cũng đang khiến “đẻ” ra cơ chế xin cho, quan liêu,
bao cấp và tham nhũng.
Theo Hồng Xiêm (Báo Giao thông vận tải)