Khi lọt lòng, cô bé ấy nhỏ xíu, thân hình như một chiếc ly. Bởi thế, người nhà đã đặt tên cô bé theo hình dáng khác người ấy.
Bây giờ, cô bé đó đã 12 tuổi, thế nhưng trọng lượng thì vẫn như đứa vài tháng tuổi. Cô bé nặng 7 kg, bé tí tẹo như búp bê đồ chơi của trẻ nhỏ.
Bé Nguyễn Thị Kim Ly giờ nổi tiếng lắm. Ấp An Hòa (Trung Thành Tây, Vũng Liêm, Vĩnh Long), nơi cô bé ở, ai cũng biết đến bé. Hơn chục năm qua, nhà cô bé đã là địa chỉ quen thuộc của những nhà hảo tâm và cả những người hiếu kỳ. Họ đến để tận mắt chứng kiến bởi chẳng ai tin trên đời này lại có một người bé tí xíu đến vậy.
Cô bé lọt lòng có hình hài tí xíu như… chiếc ly
Bé Ly đang ở với bà ngoại. Bố mẹ bé đã đường ai nấy đi hơn 1 năm nay. Đã nghe nhiều người kể chuyện về cô
bé tí hon này nhưng hôm tới thăm, chúng tôi cũng không khỏi bất ngờ. “Chiếc ly” thuở nào giờ cũng chỉ bằng chiếc phích. Thấy khách lạ, bé loắt choắt chạy ra ngõ ngó nghiêng rồi lại thoăn thoắt chạy vào gọi bà. Tiếng bé lanh lảnh. Nghe tiếng ấy, chúng tôi biết bé rất hiếu động và lanh lợi.
Có lẽ biết chúng tôi đến để thăm bé, ngồi chưa ấm chỗ, bà Nguyễn Thị Hà, bà ngoại bé đã vội vàng đi lấy những giấy tờ liên quan đến đứa cháu có thân hình nhỏ nhắn đến kinh ngạc của mình. Theo giấy khai sinh thì bé Ly sinh ngày 12/10/2002, con anh Nguyễn Văn Xị (SN 1977) và chị Nguyễn Hòa Bình (SN 1982). Bởi mâu thuẫn trong đời sống gia đình nên bố mẹ Ly đã li hôn, mỗi người một ngả. Thương bé quắt queo, bà Hà đã đón về nuôi để bố mẹ bé được yên tâm xây dựng hạnh phúc mới.
|
4 tuổi bé Ly có 3kg. |
Nhà có khách, bé Ly vui lắm. Bé nhảy chân sáo khắp nơi, khi thì lên phản, lúc ở ngoài sân. Bạn thân của bé là một bé gái hàng xóm. Bé gái này tuổi mới lên 5 nhưng trông đã cao lớn gấp đôi Ly. Bé gái này cũng hiếu động lắm, cứ khi không ai để mắt là bế thốc chị lên, đưa tay qua lại như chị ru em ngủ.
Những lúc như thế, bà Hà lại hốt hoảng la mắng: “Khéo khéo không lại ngã chị. Bế nhẹ thôi, khéo làm chị đau đấy!”. Thấy bà Hà nạt nộ, cô bé hàng xóm lại thả Ly xuống rồi cả hai cùng ngặt nghẽo cười.
Theo bà Hà thì như nhiều người khác, khi con gái bà lập gia đình, bà cũng mong ước được có đứa cháu để bế bồng cho tuổi già bớt phần hiu quạnh. Con gái bà có mang, cả nhà mừng lắm. Ở nông thôn, đời sống khó khăn, khi có mang con gái bà cũng chẳng kiêng cữ được như người ở thành phố nên thỉnh thoảng cũng cảm cúm, ốm đau.
Người có điều kiện thì kiêng dè chuyện ốm đau lúc bụng mang dạ chửa, nhưng ở quê thì cứ xem đó là chuyện thường tình. Khi con gái bà trở dạ, cả nhà háo hức đón tin vui. Thế nhưng, khi bác sĩ thông báo, cháu bé mới
lọt lòng không giống như những đứa trẻ bình thường khác thì bà và mọi người như chết điếng. Bởi sinh thiếu tháng nên cháu nên khi rời bụng mẹ, cháu chỉ nặng 800g.
Thông báo cho gia đình chuyện bất thường ấy, cô y tá bảo, cháu bé trông như cái ly uống nước. Đón đứa cháu đỏ hỏn từ tay cô y tá, bà đã nghẹn ngào nước mắt. Đứa bé nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay chẳng khác nào con chuột. Nhìn đứa bé lành lặn, bà đã nghĩ đến câu nói của người xưa “có đầu có đuôi nuôi lâu sẽ lớn”. Tuy nhiên, thực tế, khi đón cháu về thì mọi thứ lại không diễn ra như bà từng nghĩ.
Gió thổi cũng… bay
Đã có hình hài tí xíu nhưng sau 2 tháng, thấy cháu bỏ bú và có những biểu hiện khác thường, sợ hãi, con gái bà đã vội vàng đưa con đi khám. Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận, Ly bị bệnh tim. Bệnh ấy cần phải phẫu thuật. Thế nhưng, với vóc dáng tí tẹo, các bác sĩ đã lắc đầu bảo, cháu không đủ sức khỏe để trị bệnh bằng dao kéo. Bệnh của cháu chỉ có thể dùng thuốc theo phác đồ điều trị riêng. Tất nhiên, cháu có qua khỏi hay không hoàn toàn là nhờ số mệnh.
Bà Hà kể, khi ấy, thấy Ly nằm thu lu một góc, bà đã nghĩ cháu mình không sống nổi. Tuy nhiên, ơn giời, nhờ sự chăm sóc theo kiểu nâng như nâng trứng của bà và mọi người, Ly đã dần vượt qua cơn bĩ cực của đời mình.
Bà Hà kể, chăm sóc Ly rất cực. Ru cháu ngủ, bà phải đặt Ly nằm trong lòng hai bàn tay của mình và cứ thế đưa qua đưa lại nhẹ nhàng. Những đứa trẻ khác thì người lớn ẵm vào người, nhưng Ly thì không làm thế được bởi thân hình cháu quá bé. Xòe tay cả giờ đồng hồ, nhiều khi bà thấy tay mình mỏi giã. Hát ru cháu bà cũng chỉ dám hát thầm. Hát thành tiếng thì sợ cháu giật mình tỉnh giấc.
|
Bé Ly (bên trái) hiện tại. |
Khi cháu ngủ say, bà đặt cháu nằm trên bụng mình bởi đặt cháu dưới giường bà sợ sơ xảy, nằm chèn vào thì cháu mình chết bẹp. Vì nghèo nên nhà bà thông thốc. Từ ngày đón cháu về nuôi, bà phải chọn chỗ kín gió để kê giường ngủ: “Sợ gió máy cháu dễ mắc bệnh một phần, sợ nữa là gió mạnh, cháu bị… gió cuốn đi!”, bà Hà thật thà kể. Nâng giấc cho cháu đã mệt đã khó, chăm bữa ăn cho cháu còn mệt hơn. Những đứa trẻ bình thường khác thì lên 3 tuổi là đã được bố mẹ cho ăn cơm nhưng Ly thì không như thế. Thức ăn cho cháu phải giã nát như cám và phải đút cho cháu ăn từng muỗng nhỏ mới không bị sặc. Khi 4 tuổi, trèo lên cân đĩa, kim đồng hồ mới khẽ nhích ở mức 3 kg nên Ly ăn ít lắm. Ăn hệt như một chú mèo lười, mỗi bữa chỉ vài thìa nhỏ.
Bởi thân hình tí xíu trên nên Ly được nhiều người trong ấp thương yêu. Bất cứ ai gặp cô bé là đòi ẵm bế. Thấy mọi người quý cháu mình vậy, bà Hà vừa mừng vừa lo. Bà Hà kể: “Xương cháu bé như xương gà, không biết bế là nguy hiểm lắm, chỉ chạm nhẹ là cháu có thể bị gẫy chân, tay ngay”.
Bởi nỗi lo lắng đó mà trước đây, bà không dám rời xa cháu mình nửa bước. Bà đi đâu là cho Ly theo đấy để canh chừng. Đi chợ thì bà đặt cháu vào giỏ xe rồi 2 bà cháu cứ chầm chậm mà đi. Chiếc giỏ xe với Ly là quá rộng. Ngồi trong đó, Ly có thể giãy dụa, chơi đủ trò.
“Ngày mới cho cháu chợ, thấy cháu bé quá nhỏ, thoại đầu nhiều người tưởng tôi… nuôi khỉ đấy. Khi biết mình nhầm họ xúm đông xúm đỏ vào xem. Có người còn sờ nắn, bắt cháu nói chuyện bởi chẳng ai nghĩ trên đời lại có người bé đến thế!”, bà Hà nhớ lại.
“Khổ nhất là những lúc cho cháu theo ra đồng, một vũng nước với người bình thường thì chẳng có gì đáng nói nhưng với nó thì chẳng khác nào một chiếc ao sâu, không trông chừng cháu ngã xuống thì nguy hiểm lắm”, bà Hà tiếp tục kể về những vất vả khi chăm sóc đứa cháu tí hon của mình.
Đúng như lời bà Hà nói, để mắt, tôi thấy mọi đồ vật trong ngôi nhà của bà Hà đối với Ly chẳng khác gì những thứ ở “thế giới người khổng lồ”. Chiếc ghế để ngồi Ly không thể tự mình trèo lên, chiếc tô đựng canh với Ly chẳng khác gì chiếc thau tướng đại…
Bà Hà bảo, nhiều lần đi chợ, bà đã để mắt để mua những món đồ
nhỏ nhắn để Ly có thể tự dùng nhưng khó quá. “Nhìn nó nặng nhọc bưng cốc nước bằng cả hai tay, tôi đã nhiều lần không cầm nổi nước mắt!”.
Ly nhanh nhẹn và tinh nghịch. Từ lúc chúng tôi đến chẳng thấy lúc nào em ngồi yên. Cứ đi lại thoăn thoắt. Tuy nhiên, bà Hà bảo, chỉ nô một chốc một lát là bé lại ngồi thở dốc.
Muốn đi diễn xiếc để nuôi bàLy thích đi học. Thích được tung tăng tới trường như chúng bạn. Trước đây, dù nghèo nhưng bà Hà cũng cố gắng lo cho cháu mình cái chữ. Tuy nhiên, đi học được ít ngày thì Ly lăn ra ốm. Bà Hà bảo, cháu bà không đủ sức để đến trường. Cái cặp, quyển sách đối với Ly là vật phẩm khổng lồ, cô bé không thể nào mang vác. Thêm nữa, trẻ con tính vốn hiếu động, thấy Ly bé xíu nên thường xúm lại trêu chọc, thấy cảnh đó, bà chẳng cam lòng. Vậy là bà quyết định cho Ly nghỉ.
“Nếu cứ đến lớp thì giờ nó cũng học xong cấp 1 rồi. Nhiều lúc thấy nó cứ ngó theo mấy đứa đi học ngoài ngõ, tôi cũng thương lắm nhưng chẳng biết làm sao!”, bà Hà rầu rĩ.
Chạy nhảy một hồi, mệt phờ, Ly xán lại bên bà. Hỏi chuyện, cô bé hồn nhiên bảo, sau này… lớn lên, cháu sẽ đi làm xiếc để lấy tiền nuôi ngoại. Thấy cháu mình nói vậy, bà Hà xoa đầu Ly bảo, trước đây, thấy cháu bé xíu, nhìn lạ mắt, mấy đoàn xiếc đã về tận nhà xin với gia đình để rước cháu đi… biểu diễn.
“Họ trả thù lao cũng cao lắm nhưng làm thế tội con bé, tôi hổng có chịu…”, bà Hà bỏ lửng câu nói, mắt hướng xa xăm. Nhìn ánh mắt ấy chúng tôi biết bà đang có điều gì lo lắng lắm. Chẳng để chúng tôi phải đoán già đoán non, bà bảo, năm nay tuổi bà đã gần 70, nhiều khi cũng vướng bệnh, cũng nằm một chỗ, tuy nhiên bà vẫn cố sức để chăm lo cho đứa cháu tí hon tội nghiệp.
Tuy nhiên, sau này, khi sức tàn lực kiệt thì không biết cuộc sống của Ly sẽ thế nào. “Bố mẹ nó thì đều có nỗi lo riêng, cũng vất vả lắm. Cứ nghĩ tới sau này cháu không có người chăm bẵm, tôi ngủ chẳng yên”, bà Hà thở dài.