Các sản phẩm sữa chứa chất gây bệnh tim của Trung Quốc dù chưa được cấp phép lưu hành nhưng không loại trừ khả năng đã nhập lậu sang nước ta.Báo chí Trung Quốc vừa phanh phui vụ 3 nhãn hàng sữa bột nổi tiếng tại nước này là Baby Club (hãng Beingmate), Super (hãng Synutra) và Gold (hãng Yili) bị phát hiện có chứa chất béo chuyển hóa, còn gọi là axít béo chuyển hóa (trans fat) - một chất có thể gây bệnh tim.Chưa cấp phép vào Việt NamTheo kết quả xét nghiệm đã được công bố, trong 100 g các loại sữa bột nói trên có chứa từ 0,4-0,6 g chất béo chuyển hóa trở lên. Tuy nhiên, trên bao bì 3 loại sữa này không hề ghi thành phần chất béo chuyển hóa.
Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết 3 nhãn hàng sữa bột này chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Hiện cục đã liên hệ với các cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc và Hồng Kông để có thông tin chính thức về các sản phẩm sữa này.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, tại thị trường Hà Nội ngày 9-7, không thấy sự hiện diện của các sản phẩm sữa nêu trên ở nhiều cửa hàng và siêu thị. Chị Trần Lan Hương, kinh doanh thực phẩm dành cho trẻ nhỏ trên phố Hàng Buồm (Hà Nội), cho hay cửa hàng chị chưa từng nhập sữa Baby Club, Super và Gold của Trung Quốc. "Sữa Trung Quốc lưu hành ở Việt Nam thường là các loại "xá" (đóng bao lớn) để sử dụng làm bánh, kẹo chứ không phải là sữa đóng lon dành cho trẻ nhỏ" - chị Hương nhận định.
Tuy nhiên, trước thông tin sữa bột Trung Quốc chứa chất gây hại, nhiều ý kiến lo ngại các sản phẩm này có thể vào Việt Nam theo đường xách tay, nhập lậu vì rất khó kiểm soát.
Nguy hiểm cho trẻ nhỏTheo PGS-TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật an toàn thực phẩm - Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, chất béo chuyển hóa được phép sử dụng trong danh mục phụ gia thực phẩm. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên giới hạn tiêu thụ chất béo chuyển hóa ở mức 1-2 g/ngày.
Theo tiêu chuẩn của Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế), giới hạn chất béo dạng trans fat trong sữa công thức của trẻ không quá 3% tổng lượng axít béo trong sản phẩm. Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đưa ra khuyến cáo ở mức thấp hơn - không nên tiêu thụ quá 0,5 g chất béo chuyển hóa trong mỗi khẩu phần ăn.
PGS Phan Thị Sửu cho biết thông thường, chất béo bão hòa được ghi trên nhãn thực phẩm. Theo nguyên tắc chung, người tiêu dùng sẽ chọn thực phẩm có ít chất béo chuyển hóa hay chất béo dạng trans fat vì nếu sử dụng thường xuyên sẽ làm tăng cholesterol máu và tăng nguy cơ mắc bệnh về tim mạch. Ngoài ra, chất béo này khi xâm nhập có thể bịt kín mạch máu, gây tắc nghẽn và dẫn đến nguy cơ đột quỵ.
Bà Sửu khẳng định nếu sử dụng lượng chất béo trans fat ở mức tối thiểu sẽ không gây hại nhưng với trẻ em, sữa bột là nguồn cung cấp dinh dưỡng quan trọng và uống hằng ngày thì lượng tiêu thụ chất béo có thể cao. Điều này rất nguy hại cho sức khỏe của trẻ vì dễ làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tim mạch, thậm chí còn khiến trẻ khó tiêu hóa dẫn đến biếng ăn, chậm phát triển.
PGS-TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, khuyến cáo chất béo dạng trans fat không tốt cho người mắc bệnh về tim mạch, huyết áp, tiểu đường…Đây cũng chính là lý do khiến loại chất béo này bị nhiều nước kiểm soát chặt chẽ.
Ông Đáng cho rằng theo quy định, sữa phải công bố đầy đủ các thành phần có trong sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn, bao gồm cả các axít béo chuyển hóa. "Vì không loại trừ các sản phẩm sữa chứa những chất gây nguy hại đang lưu thông trên thị trường dưới nhiều hình thức nên tốt nhất, người tiêu dùng không nên mua và sử dụng các loại không rõ nguồn gốc" - PGS Đáng khuyến cáo.
(Theo NLD)