Trao đổi với báo chí chiều 1/7, ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc đề xuất tăng giá điện với sắt thép xi măng mới chỉ là ý tưởng.
Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính rà soát lại các chi phí sản xuất điện năm 2012 để đưa ra đề xuất lên Chính phủ về việc điều chỉnh giá điện.
Việc giá điện điều chỉnh
bao nhiêu sẽ cân nhắc nhiều yếu tố trong đó có tính tới yếu tố lạm phát cũng như thời điểm để tránh tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Cũng theo ông Phúc, hiện dự thảo về biểu cơ cấu giá điện bán lẻ vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến, sau đó sẽ trình Chính phủ xem xét. Việc đề xuất tăng giá điện với sắt thép xi măng mới chỉ là ý tưởng.
“Về cơ cấu tỷ giá mới, giá bán lẻ tiêu dùng có một số thay đổi. Trong đó giá bán lẻ trước kia có 7 bậc sẽ giảm còn 6 bậc. Dự thảo cũng quy định, giá điện sản xuất sắt, thép, xi măng có mức giá riêng. Trong các nhà máy sản xuất thép, xi măng có một số nhà máy còn sử dụng công nghệ lạc hậu tiêu tốn nhiều năng lượng nên việc quy định mức giá cao hơn sẽ thúc đẩy quá trình cải tiến công nghệ, tiết kiệm năng lượng”, ông Phúc cho biết.
Giá điện chưa tăng.
Trong
báo cáo về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) dẫn báo cáo của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ KH&ĐT) cho biết, dự báo năm nay giá điện có thể điều chỉnh trong phạm vi 10%-15% do một số yếu tố, trong đó có yếu tố giá than bán cho điện tăng.
Trường hợp giá điện tăng 1% sẽ làm tăng CPI 0,07%, trong đó 0,04% tăng do ảnh hưởng trực tiếp và 0,03% do ảnh hưởng gián tiếp. “Việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản trong năm nay có thể chia thành hai lần vào tháng 9 và tháng 11. Nếu không có những thay đổi về chính sách kinh tế vĩ mô cũng như không điều chỉnh giá hàng hóa cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát sẽ ở mức khoảng 5%”, NFSC nhận định.