Báo Trung Quốc đưa tin lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài hai tháng rưỡi tại Biển Đông do Trung Quốc ban hành một cách đơn phương và trái phép đã kết thúc vào 12h hôm qua.
Trước đó, hôm 15/5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc sẽ thi hành Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông năm 2013 từ 12h ngày 16/5/2013 đến 12h ngày 1/8/2013 với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Việc Trung Quốc đơn phương thi hành Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Việt Nam phản đối và coi quyết định đơn phương nói trên của Trung Quốc là vô giá trị".
Hiện nay, theo nhật báo Phương Nam của Trung Quốc, cơ quan hàng hải Trung Quốc "lưu ý tàu chở hàng và tàu cá cần chú ý quan sát, đề phòng xảy ra sự cố va chạm tàu, bảo đảm an toàn và thông suốt của tuyến hàng hải". Lý do là tàu thuyền trên vùng biển duyên hải Quảng Đông, Trung Quốc rất dày đặc và có thể rất nhiều tàu cá ra biển tác nghiệp khi lệnh cấm bắt cá kết thúc.
Cũng theo nhật báo này, khoảng 9.007 tàu đánh cá của tỉnh Hải Nam "đã kết thúc thời gian nghỉ ngơi, sửa chữa và sẽ tiến ra Biển Đông trong vài ngày tới". Đây cũng là thông tin đặc biệt gây quan ngại, tiềm ẩn nguy cơ tạo ra những bất ổn trong khu vực, nhất là trong bối cảnh tàu Trung Quốc từng truy đuổi, uy hiếp tàu cá Việt Nam đang hoạt động bình thường và hợp pháp trên Biển Đông.
|
Khoảng 9.007 tàu đánh cá của tỉnh Hải Nam "đã kết thúc thời gian nghỉ ngơi, sửa chữa và sẽ tiến ra Biển Đông trong vài ngày tới. |
Mới đây nhất, hôm 17/7, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động uy hiếp tàu cá Việt Nam và đòi bồi thường cho các ngư dân. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, sáng 7/7/2013, tàu Trung Quốc số hiệu 306 đã truy đuổi, uy hiếp 2 tàu cá QNg 96787 TS và QNg 90153 TS ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho người lên tàu khống chế, lục soát, đánh đập ngư dân, đập phá và lấy đi một số tài sản khi hai tàu này đang hoạt động nghề cá bình thường.
Ngày 17/7/2013, trả lời câu hỏi của phóng viên về sự việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ: "Hành động trên đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, trái với tinh thần đối xử nhân đạo với ngư dân, các quy định của luật pháp quốc tế và tinh thần của Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở
Biển Đông (DOC)".
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động trên của phía Trung Quốc, yêu cầu phía
Trung Quốc nghiêm túc điều tra, xử lý nghiêm khắc việc làm sai trái nói trên, bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam và không để tái diễn các vụ việc tương tự.
Theo Vietnamplus