Kinh nghiệm cho thấy, nếu chúng ta mắc phải cảm lạnh do mưa, các triệu chứng như ớn lạnh dọc xương sống, nhức đầu, mệt mỏi uể oải, sợ lạnh, đầy bụng, có khi làm cho đi tiêu phân lỏng, hay có sốt nhẹ.
Ở miền Nam, thời điểm này thường có những cơn mưa bất chợt. Nhiều khi chúng ta bận rộn, trời mưa cũng phải chạy ngoài đường, bị ướt mưa. Nếu cơ thể khỏe mạnh, chánh khí của bản thân tốt, thì sẽ không bị cảm lạnh. Còn nếu chánh khí cơ thể đang trong thời kỳ suy yếu do bệnh tật hay suy nhược, thì rất dễ bị cảm lạnh. Khi đó, chúng ta thường khắc phục bằng cách nấu nước xông, làm ấm cơ thể bằng nhiều cách. Tuy nhiên, trong thực tế có những phương pháp hiệu quả hay ít hiệu quả, do sự hiểu biết của chúng ta nhiều hay ít.
Trứng gà, lá tía tô và hành ta nấu cháo giải cảm rất hay - Ảnh: Khánh Vy |
Bài thuốc
Có một phương pháp giúp giải cảm khu phong do bị cảm lạnh khá hiệu quả, theo kinh nghiệm của nhiều thầy thuốc đông y. Lấy các vị thuốc dưới đây đem hãm với nước sôi từ 15 - 20 phút, rồi dùng khi nước thuốc còn nóng ấm. Bài thuốc gồm: tế tân 4 gr; hoắc hương 8 gr; bạch đậu khấu 4 gr; sa nhân 4 gr; trần bì 2 gr; cảo bản 2 gr; hậu phác 4 gr; ngô thù du 2 gr; quế chi 2 gr; gừng tươi 8 gr (3 lát). Bài thuốc này có tác dụng ôn trung, tán hàn, khu phong, giải cảm rất hiệu quả trong các trường hợp cảm lạnh mới mắc phải trong 1 - 2 ngày.
Vị thuốc hậu phác |
Nên nhớ rằng, dùng bài thuốc trên lúc còn nóng, cơ thể sẽ ra mồ hôi, khi đó nên tránh ra ngoài gió, vì các lỗ chân lông đang mở rộng sẽ bị gió nhập vào, không tốt cho người bệnh.
Nên dùng kèm một tô cháo giải cảm gồm: cháo trắng, hành ta, lá tía tô thái nhuyễn, gừng tươi, lòng đỏ trứng gà và một chút tiêu đen - sẽ giúp cơ thể hết cảm, phục hồi sức khỏe rất hiệu quả.
Vào mùa mưa, chúng ta nên chuẩn bị sẵn trong gia đình những nguyên liệu để nấu cháo như trên, rất hữu ích trong việc ngăn chặn, giải cảm.
Lương y Trần Duy Linh