Dịch vụ độc nhưng không hiếm
Đã ly hôn và sống một mình nuôi con, người con trai là niềm hạnh phúc nhất của chị Eva Wu, một người phụ nữ đã lớn tuổi sống tại Hong Kong. Tuy nhiên, điều bất hạnh đã xảy ra với chị khi cậu con trai mắc căn bệnh ung thư và từ bỏ người mẹ đơn thân khi mới 17 tuổi.
Sau nỗi đau mất mát, nhờ một công ty chế tác tro cốt thành kim cương ở Hong Kong, chị đã có được một viên kim cương quý giá làm từ tro cốt của người con trai xấu số. "Đây là viên kim cương ký ức. Lúc nào tôi cũng thấy nó ở bên mình. Và nó là viên kim cương 100%, không có gì khác ngoài tro cốt người con trai", chị cho hay.
Tại Hong Kong, dịch vụ chế tạo kim cương từ tro cốt người chết được nhiều người biết tới như là một cách để an ủi, lưu giữ những kỷ niệm của người quá cố. Giá chế tác một viên kim cương 1/4 cara khoảng 3.000 USD, loại 2 cara khoảng 37.000 USD. Đây không chỉ đơn thuần là đồ trang sức mà còn là vật tưởng nhớ gần gũi nhất tới người quá cố.
Từ tro cốt, tóc người quá cố có thể chế tạo kim cương nhân tạo và dịch vụ này đang phát triển tại nhiều nước trên thế giới. |
Mức giá này tương đối cạnh tranh so với chi phí mai táng tại Hong Kong, từ 2.000 đến 20.000 USD, tùy thuộc vào loại quan tài khác nhau. Trong khi đó, giá bất động sản đắt đỏ, đất đai ở đây cũng khan hiếm khiến cho nghĩa trang cũng chật cứng. Chính quyền Hong Kong chỉ cho phép chôn cất tối đa 6 năm, sau đó phải hỏa táng.
Trên thế giới, một số hãng chuyên cung cấp dịch vụ chế tác kim cương từ tro cốt của người đã khuất, thậm chí là từ một số bộ phận có thể lấy được của người còn sống. Việc kinh doanh này đang lên như diều gặp gió, đặc biệt là những nước đông dân số và diện nhỏ, và dịch vụ mai táng đắt đỏ như Nhật Bản hay Hong Kong. Trong đó, phải kể tới các tên tuổi như Algordanza, một công ty nhỏ ở Thụy Sỹ, nhận chế tạo đồ trang sức kim cương từ tro cốt để người sống có thể tưởng nhớ thân nhân đã mất ở mọi nơi. Nếu người thân bạn vẫn còn sống và bạn cũng muốn giữ kỷ niệm của người ấy, hoặc người đó được địa táng chứ không phải hỏa táng thì các công ty như LifeGerm tại Mỹ và Phoenix Diamonds của Anh sẵn sàng phục vụ. Hai công ty trên hiện giới thiệu dịch vụ làm kim cương từ tóc người, vốn chứa nhiều carbon hơn là tro người chết.
Có chi nhánh tại nhiều nước, Algordanza, một công ty ở khu vực đồi núi phía đông nam Thụy Sĩ, cũng đang chào hàng dịch vụ tạo kim cương từ tro người quá cố với giá thấp nhất là 5.000 euro (khoảng 7.500 USD), những viên đá quý tạo nên món trang sức rực rỡ không còn là dấu ấn riêng của giới thừa tiền nhiều của mà chúng còn có thể được dễ dàng truyền lại cho các thế hệ sau. Nhật Bản, nơi mà việc hỏa táng người chết khá phổ biến vì thiếu đất, là một trong thị trường trọng điểm của Algordanza, chiếm 40% doanh thu của hãng này.
Công nghệ chế tạo kim cương nhân tạo được tập đoàn General Electric phát minh vào thập niên 50 của thế kỷ trước. Vì thế, Algordanza chỉ là một trong số nhiều công ty ứng dụng công nghệ của General Electric để sản xuất kim cương nhân tạo.
Mới mẻ, "khác người" ở Việt Nam
Với một số nước châu Âu, Nhật thì việc mang tro cốt của người thân nhờ chế tác thành đồ trang sức giữ lại tưởng nhớ bên mình không quá lạ lẫm. Nhưng phát triển dịch vụ đắt đỏ và hết sức "khác người" này tại Việt Nam là điều hết sức mới mẻ.
Mới đây, Cục Hải quan TP.HCM không biết xử trí như thế nào khi một doanh nghiệp đề nghị hướng dẫn các thủ tục về hải quan để xuất khẩu tro hỏa táng của người quá cố và nhập khẩu mặt hàng kim cương nhân tạo được làm từ tro cốt của người đó. Công ty đứng tên kinh doanh dịch vụ này là một doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong văn bản gửi đến Cục Hải quan TP.HCM, doanh nghiệp đề cập "dự định kinh doanh mặt hàng kim cương nhân tạo được tổng hợp từ tro cốt hỏa táng người quá cố". Theo đó, công ty sẽ nhận tro hỏa táng từ khách hàng có yêu cầu, sau đó gửi tro qua công ty mẹ tại Thụy Sĩ để tổng hợp thành kim cương nhân tạo. Viên kim cương làm từ tro hỏa táng mang thương hiệu doanh nghiệp, sau đó được vận chuyển về Việt Nam để giao cho khách hàng. Trước đề nghị lạ, chưa có quy định cụ thể nào điều chỉnh, Cục Hải quan TP.HCM đành báo cáo để Tổng cục Hải quan "biết, có ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn cụ thể".
Đề cập tới tính khả thi của dự án, trao đổi với phóng viên VietNamNet, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn cho biết, điều này ở Việt Nam là rất khó. Theo ông Chất, hiện nay chưa có tiền lệ cũng như chưa có tri thức về vấn đề này. Ở nước ta, chưa ai hiểu biết, chưa ai sử dụng dịch vụ biến tro cốt người chết làm kim cương. Ngay cả giới khoa học kỹ thuật cũng chưa đề cập tới vấn đề này, thậm chí sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng khác cũng khá mới mẻ.
Vấn đề thứ hai, tình hình kinh tế khó khăn, chi phí cho chế tác kim cương từ tro cốt rất tốn kém, không phải ai cũng có điều kiện. Ngoài ra, cần phải xem xét những người mang tro cốt ra nước ngoài có ý đồ gì không, đằng sau việc làm đó liệu có gì khác nữa. Việc một người mang tro cốt người thân đi chế tác thành kim cương sẽ khiến nhiều người khác hoài nghi, trong đó có cả những người thân trong một gia đình vì đây là một việc làm khác lạ.
"Vấn đề này chỉ khả thi được khi phổ biến rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt khoa học phải chứng cái đó là đúng. Mọi người đã có thể truyền bá cho nhau và nhận thức được, không chỉ mắt nhìn thấy, tai nghe thấy mà tay có thể sờ thấy. Nhiều nhà quản lý bây giờ nhận thức về việc này không có, làm sao họ có thể dám quyết định. Để làm được việc này không phải là chuyện đơn giản", ông Chất cho hay.
Chuyên gia Hoàng Dương Bình cho rằng, vì đây là hoạt động kinh doanh chưa có tiền lệ pháp lý ở Việt Nam, nên Cục Hải quan TP.HCM, dường như đang lúng túng trước đề xuất của doanh nghiệp. Theo ông Bình, hiện nay nhiều đại gia giàu có họ bỏ ra hàng tỷ đồng để xây lăng mộ hay tìm cách thể hiện tấm lòng với người quá cố nên hoạt động kinh doanh này có khả năng sẽ trở thành hiện thực.
"Các cơ quan chức năng cần có quy định rõ ràng và quản lý chặt chẽ, để những hoạt động kinh doanh này không gây ảnh hưởng và gây tâm lý lo ngại trong cộng đồng", ông Bình nói.
Liên quan tới vấn đề đạo đức và tâm linh, ông Chất cho rằng, nhiều người hiện nay không hiểu rõ về tâm linh. "Bỏ ra tiền tỷ để thể hiện tấm lòng với người đã mất chưa chắc đã là việc làm tốt. Cái chính là vẫn là tâm mỗi người", ông Chất khuyến cáo.