Trong bữa cơm, chị Lê Thị Thu, ấp Thanh Liêm, xã Đại Ân 2 (huyện Trần Đề – Sóc Trăng) tái mặt khi nhìn thấy con vật lạ nằm ngay trong ruột miếng thịt kho tàu. Chị Thu nói: “Khi cầm đũa vẽ cục thịt ra, tui thấy có con gì nằm trong ruột miếng thịt, nó nhỏ như cọng bún, dài hơn hai lóng tay, dai như dây thun… ” Hoảng sợ, chị Thu buông đũa, bỏ dở bữa cơm khi chỉ vừa mới bắt đầu.
|
Tin đồn "thịt heo có sâu" lan rộng đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ thịt heo. |
Bà Giản Thị Hà, mẹ chồng chị Thu cho biết: “Đây là phần thịt kho người chị ruột của tui ở nhà kế bên múc cho bưng về ăn, vì từ cả tháng nay, tin đồn thịt heo có “sâu” rùm trời từ bên huyện Cù Lao Dung lan qua bên Trần Đề này thì nhà tui ít khi dám mua thịt heo về ăn”. Bà Hà bỏ con vật này vào tờ giấy trắng vở học trò, cầm sang nhà người chị ruột. Nhiều người là con, cháu bà Hà còn dùng điện thoại chụp lại hình con vật này.
Thấy con vật quái lạ, người em (bà Hà) cầm tới nhà mình, lại còn phụ hoạ thêm phần kể lể nghe… ớn lạnh, không chút luyến tiếc, ông Phạm Văn Đắng (anh rể bà Hà) đã bưng tất cả các phần thịt còn lại đổ xa ra ngoài đường dù cả nồi thịt có tới 2,5kg thịt heo đùi mới vừa kho ngày hôm trước.
Theo bà Hà, bà chỉ muốn cầm con vật lạ này sang nhà chị ruột mình như là một bằng chứng về lời đồn đại lâu nay của người dân trong vùng mà có mấy ai được thấy tận mắt. Còn ông Đắng thì quyết giữ lại mẫu vật này tại nhà mình phòng khi cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp chứng cứ.
Tiếp sau câu chuyện nêu trên, cả tuần nay bữa cơm nhà chị Thu thường xuyên với tép, trứng vịt, chả cá… Chị Tám Yến bán bún nước lèo ở gần chợ Ngan Rô (xã Đại Ân 2) cũng đoạn tuyệt với thịt heo không chỉ trong thực đơn nhà mình mà còn cả trong tô bún hàng ngày bán cho khách.
Chị Nguyễn Thị Nga, có hàng cháo thịt đối diện với cổng trường tiểu học Đại Ân 2 đã buộc phải chuyển sang bán cháo nấu với tép, chả lụa, bò viên từ ngày 10.9 tới nay, tức hai ngày sau khi có tin đồn thịt heo kho tàu có giun xảy ra tại nhà bà Hà.
Thê thảm nhất là những người bán thịt heo ở chợ. Chợ Ngan Rô có cả thảy năm thớt thịt thì chỉ còn ba thớt gắng gượng để mua bán qua ngày. Anh Nguyễn Văn Vũ gượng cười, nói: “Lượng thịt bán được hiện chỉ bằng khoảng phân nửa trước kia”. Còn chị Huỳnh Thị Ngọc Bích chia sẻ: “Có những ngày chỉ bán được cho khách đúng 70.000 đồng tiền thịt”.
Điều mà không chỉ chính quyền địa phương mà cả ông Đắng, bà Hà và nhiều người dân khác đang lo ngại hơn là đầu ra của sản phẩm chăn nuôi tại địa phương. Tuy nhiên, tới thời điểm này, theo ông Đặng Công Khánh, chủ tịch UBND xã Đại Ân 2, thịt heo ở chợ bán chậm, nhưng chưa có tác động xấu lên mặt bằng chung của giá heo hơi tại địa phương.