Đây là mảnh kim loại gì? Một mảnh kim loại "lạ" |
Theo chuyên gia này, khó có thể kết luận ngay được nguồn gốc của những mảnh kim loại trên.
“Theo giả thuyết của chúng tôi thì những mảnh này có thể rơi từ vũ trụ xuống. Nguồn rơi có thể từ tầng thứ nhất của các tên lửa đẩy được bắn vào không gian, khi lên một khoảng cách nhất định thì các khoang nhiên liệu được tách ra và rơi xuống”, chuyên gia này nói.
Theo chuyên gia này, đây cũng có thể là mảnh vỡ của các vệ tinh “chết”. Khi các vệ tinh hết nhiên liệu hoạt động nó sẽ rơi trở lại bầu khí quyển Trái đất. Trong phần lớn các trường hợp thì các bộ phận của vệ tinh sẽ bị đốt cháy khi xuyên qua bầu khí quyển.
“Tuy nhiên cũng sẽ có một tỷ lệ nhất định các mảnh vỡ có khả năng sẽ đâm xuống mặt đất hoặc rơi xuống biển. Trên thế giới đã từng ghi nhận nhiều trường hợp như vậy, thậm chí có cả các tàu thăm dò nặng hàng chục tấn cũng đã rơi trở lại bầu khí quyển”, chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.
Cũng theo chuyên gia trên, nếu căn cứ trên những gì còn sót lại và rơi xuống Bình Thuận hôm 25.10, có thể phỏng đoán vật thể ban đầu có kích cỡ lớn gấp hàng trăm lần.
“Cũng cần xem xét các vết cháy còn lưu dấu lại trên các mảnh kim loại để có thể xác định đúng là rơi từ vũ trụ xuống hay không. Tuy nhiên nhìn qua thì không có cảm giác là có vết cháy”, vị chuyên gia cho biết thêm.
Cũng theo chuyên gia này, trên vũ trụ hiện ước tính có trên dưới 20 nghìn các mảnh rác vũ trụ có kích cỡ từ 5 cm trở lên trôi nổi. Trong khi đó, theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), có khoảng 170 triệu mảnh rác vũ trụ có chiều dài từ 1 mm trở lên đang bay quanh trái đất.
“Chỉ có các nước có ngành công nghiệp vũ trụ tiên tiến như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản... mới có khả năng và thiết bị để theo dõi các mảnh rác vũ trụ này và đưa ra cảnh báo khi chúng có nguy cơ rơi xuống trái đất”, chuyên gia của Bộ Khoa học và Công nghệ nói.
Theo chuyên gia này, hằng ngày đều có các mảnh rác vũ trụ từ quỹ đạo rơi về trái đất tuy nhiên đến nay chưa có vụ việc nghiêm trọng nào được ghi nhận.
Có thể là vệ tinh nhân tạo? Thông thường, khi xảy ra hiện tượng phóng tia lửa điện giữa các đám mây thì mới phát sinh tiếng nổ trong không trung. Hiện tượng này người ta thường gọi là sấm sét, xuất hiện ở những lúc trời nhiều mây, sắp có mưa. Còn nếu là vật thể (thiên thạch loại nhỏ) rơi thì thường cháy chứ không nổ. Hiện tượng này thường thấy vào ban đêm, người ta gọi là sao xẹt. Nhưng hiện tượng ở đây là phát ra tiếng nổ trên không trung, kèm theo những mảng giống như kim loại thu được ở nhà dân, tôi cho rằng nó không nằm vào những trường hợp trên. Theo tôi, đó có thể là vật thể bay hoặc vệ tinh nhân tạo. Hiện nay vệ tinh nhân tạo cũng được nhiều nước phóng lên không trung, trong đó có Việt Nam (trong dự báo thời tiết người ta cũng dùng đến vệ tinh nhân tạo). Ông Trần Văn Răng, Trưởng bộ phận thí nghiệm, giảng viên môn vật lý Trường ĐH An Giang (Minh Luân ghi) |
Tr.Sơn