Đi, đứng và tim đập như người thường, nhưng đối tượng vừa nêu không phải người bằng xương bằng thịt, anh ta là người sinh học đầu tiên trên thế giới.
Cận cảnh người sinh học Frank - Ảnh: Veoverde.com |
Giống như tên quái vật trong tiểu thuyết giả tưởng Frankenstein, với các bộ phận cơ thể được lắp ráp lại với nhau, người sinh học Frank là một hỗn hợp các bộ phận giả tối tân nhất hiện nay, từ phần chi robot, các cơ quan nhân tạo đến hệ thống tuần hoàn bơm máu. Đây là dự án được chủ trì bởi nhà robot học Rich Walker và Matthew Godden của hãng Shadow Robot Co. ở Anh, tập hợp đủ loại bộ phận cơ thể do các phòng thí nghiệm trên thế giới cung cấp. “Nhiệm vụ của chúng tôi là thu gom một khối lượng lớn các bộ phận, như cơ quan nội tạng, tay chân, mắt, đầu, và trong 6 tuần lắp ráp thành người sinh học”, Reuters dẫn lời chuyên gia Walker. Tất nhiên, việc tạo thành người sinh học không đơn giản như lắp ráp đồ chơi bình thường.
Robot người sinh học, với chi phí gần 1 triệu USD, đã được triển khai sau khi Bertolt Meyer, một nhà tâm lý xã hội thuộc Đại học Zurich (Thụy Sĩ), trải nghiệm cảm giác với tay sinh học. Người sinh học cũng được trang bị tay nhân tạo như ông Meyer, tức thiết bị i-LIMB do hãng Touch Bionics chế tạo, với cổ tay có thể xoay hoàn chỉnh và động cơ ở từng ngón tay. Khả năng cầm nắm và siết của tay sinh học hết sức ấn tượng, nhưng Frank đôi khi vẫn làm rơi ly nước, mà theo “cha đẻ” Walker đùa thì “cậu ấy không phải là người pha chế rượu giỏi nhất thế giới”. Ở phần chân, người sinh học được lắp mắt cá và chân robot do hãng BiOM ở Massachusetts chế tạo, do kỹ sư sinh học Hugh Herr thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - người mất đôi chân trong một tai nạn thời trẻ - đảm trách. Để hỗ trợ chân nhân tạo, người sinh học được lắp khung robot REX của hãng REX Bionics tại New Zealand. Dù được lắp đủ loại bộ phận phức tạp nhất, dáng đi của người sinh học vẫn cứng nhắc và kỳ quái, giống Frankenstein hơn là người bình thường.
Tuy nhiên, quá trình lắp ráp không dừng lại ở đó. Frank còn được sở hữu một tập hợp hầu như hoàn chỉnh các cơ quan nội tạng nhân tạo, bao gồm tim, phổi, khí quản, lá lách, tụy, thận, máu và hệ thống tuần hoàn chức năng. Tim nhân tạo, là sản phẩm của SynCardia Systems tại Arizona, đã được cấy ghép cho ít nhất 100 người trong lúc chờ nội tạng từ 6 đến12 tháng. Hệ tuần hoàn do nhà nghiên cứu Alex Seifalian của Đại học cao đẳng London chế tạo chứa tĩnh mạch và động mạch làm từ một dạng nhựa đặc biệt. Trong khi đó, “não bộ” của người sinh học có thể bắt chước một số chức năng cơ bản như não người, còn võng mạc nhân tạo đủ sức mang lại ánh sáng dù hạn chế. Ngoài ra, người sinh học còn được ghép ốc tai, các hệ thống nhận dạng và phát ra lời nói, cho phép thực hiện các cuộc hội thoại đơn giản. Vấn đề duy nhất ở đây là nó mang cá tính đầy phiền toái của một cậu bé 13 tuổi người Ukraine, theo chuyên gia Walker. Nói tóm lại, Frank có thể bắt chước thành công đến 2/3 chức năng của cơ thể người, nhưng nó thiếu một vài cơ quan nội tạng quan trọng như gan, bao tử và ruột, vẫn còn quá phức tạp để có thể tái tạo trong phòng thí nghiệm.
Sự xuất hiện của người sinh học đã đặt ra một số câu hỏi về đạo đức: “Liệu hành động tạo ra sinh vật giống người có đe dọa những khái niệm lâu nay về con người?” hoặc: “Thay thế bao nhiêu phần cơ thể thì được chấp nhận trong đời thực?” và “Đúng hay sai khi chỉ có một vài người được quyền tiếp cận các công nghệ giúp kéo dài sự sống?”. Tất nhiên vẫn chưa có câu trả lời chính thức, và mọi người vẫn đang trầm trồ khi đối diện một phiên bản quá giống người như người sinh học.
Phi Yến