Sau khi Thanh Niên thông tin vụ bình gas 12 kg chứa gần 6 kg nước, nhiều bạn đọc tiếp tục phản ánh họ là nạn nhân của nạn ăn gian gas với đủ các mánh khóe.
Người tiêu dùng mua phải bình gas 12 kg bị rút ruột đến gần 6 kg, ai phải chịu trách nhiệm ? - Ảnh: Hoàng Việt |
Chị Nga (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), kể: “Trước đây gia đình tôi vẫn dùng gas B.M. Vào tháng 9.2013 có một nam “nhân viên” đến nhà chào hàng: “Gas B.M mới mở chi nhánh gần đây, rồi dán mảnh giấy có số điện thoại lên bình gas. Khi hết gas, tôi gọi theo số điện thoại trên bình (08.66838788; 0984988881) và được “nhân viên” đại lý gas đến giao hàng. Tuy nhiên, bình gas 12 kg này dùng chỉ 20 ngày là hết, trong khi bình thường nhà tôi dùng 2-3 tháng. Khi tôi gọi điện, họ đến “khám” và nói dây gas bị xì, thay dây mới hết hơn 200.000 đồng, đồng thời giao bình gas khác. Tôi yêu cầu cân lại thì trọng lượng cả vỏ lẫn gas gần 19 kg. Tôi gọi “chủ” đại lý theo số điện thoại họ dán trên bình để hỏi thì được một người đàn ông nghe máy, tự xưng chủ đại lý trả lời, vỏ bình gas khoảng 7 kg, cộng với 12 kg nước gas, tổng cộng khoảng 19 kg là đủ gas. Nhưng sau đó dùng chỉ 20 ngày lại hết gas. Họ lên kiểm tra và “phán” do van bình gas hư nên xì gas, nhanh hết và thay với giá hơn 350.000 đồng. Tôi nghi ngờ, lên internet kiểm tra, không thấy đại lý gas B.M nào có số điện thoại như số họ dán trên bình gas, mới phát hiện mình bị lừa”.
Trong trường hợp này, chị Nga bị “nhân viên” dỏm lừa, rút ruột mất từ 5 - 5,5 kg gas/mỗi bình. Tính tổng cộng 2 bình gas bị rút ruột và bộ van, dây gas, Chị Nga thiệt hại hơn 1,3 triệu đồng.
Tương tự, ông Hiến, chủ quán nhậu Bê Vàng (Tăng Nhơn Phú, Q.9), phản ánh, dùng gas thương hiệu Đ., thông thường quán sử dụng 20 ngày hết 1 bình gas 45 kg, nhưng mới đây sau khi thay gas dùng chưa đến 10 ngày đã hết sạch. Sau khi phản ánh, đích thân Giám đốc Công ty gas Đ. đến quán kiểm tra hệ thống bếp, không phát hiện rò rỉ và đã xác nhận, xin lỗi do nhân viên... làm bậy. Ông Phan Thanh Doãn, đại diện Công ty TNHH Citygas, cho biết cũng từng phát hiện bình gas “độn” nước. Đó là khi vỏ bình gas trả về công ty, kiểm tra thấy nặng nên lắc thử, nghi ngờ và đưa đi kiểm định, phát hiện chứa mấy ký nước.
Tình trạng rút ruột bình gas đang khá phổ biến hiện nay. Nhiều người thấy gas hết quá nhanh nhưng không biết nguyên nhân nên cũng cho qua khiến bọn lừa đảo ngày càng lộng hành. Theo ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, kẻ gian chỉ cần lừa mỗi hộ dân một lần là đủ.
Theo ông Doãn, thông thường tổng đại lý không ăn gian gas vì họ nhận gas bơm đủ từ công ty, còn nguyên tem, màng co. Gian lận chủ yếu xảy ra ở hệ thống đại lý cấp dưới, cửa hàng. Nhiều vụ cháy nổ đại lý gas do có liên quan đến sang chiết gas lậu, sang chiết từ bình lớn sang bình nhỏ. “Nếu cơ quan chức năng đánh mạnh các nơi sang chiết nạp lậu sẽ hạn chế được gian lận gas. Như vụ bình gas “độn” gần 6 kg nước Báo Thanh Niên vừa đăng, nếu cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra làm rõ, xử phạt nặng thì có thể răn đe chỗ khác”, ông Doãn nói.
Luật sư Trần Hải Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết hành vi rút ruột gas là gian lận nghiêm trọng vì xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời ảnh hưởng đến trật tự kinh doanh trong ngành gas và an toàn cháy nổ. “Về quản lý gas, cần phải xem lại cơ chế hoạt động và phối hợp giữa các ngành chức năng. Cần quy trách nhiệm cụ thể từng ngành. Ngành nào cũng đòi kiểm soát nhưng không chịu trách nhiệm, chỉ có người dân chịu hậu quả”, luật sư Đức bức xúc.
Hoàng Việt