Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có dấu hiệu
giá vàng trong nước sát với giá thế giới như mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra trong thời gian gần đây.
Ngày 27-2 khi NHNN ký hợp đồng gia công vàng miếng với SJC, giá vàng trong nước chỉ còn chênh với thế giới 2 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa được nửa tháng, giá vàng trong nước lại bỏ xa thế giới gần 4 triệu đồng/lượng. Điều ngạc nhiên là, giá vàng thế giới trong suốt nửa tháng qua không có sự biến động.
Lý giải điều này, ông Trần Quốc Quýnh – Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam nói: “Thị trường vàng Việt Nam đang đứng một mình một sân chơi và giá không do thị trường quyết định. Tôi cũng không hiểu giá vàng Việt Nam căn cứ vào đâu để có mức giá cao hơn thế giới gần 4 triệu đồng/lượng như vậy. Điều này làm người dân không khỏi đồn đoán có sự bắt tay, làm giá giữa các ông lớn kinh doanh vàng”.
Giá vàng SJC tuy giảm chút ít, nhưng vẫn giữ khoảng cách so với vàng thế giới 3,94 triệu đồng/lượng.
Theo ông Quýnh, nếu NHNN có những hành động cụ thể từ những chính sách thì giá vàng trong nước mới có sự ổn định hơn. “Mục tiêu ổn định tỷ giá VND/USD đã thành công khi không cho nhập khẩu vàng trong suốt hơn 2 năm qua. Tuy nhiên, để hạn chế dân giữ vàng (chống vàng hóa) sẽ khó thực hiện. Bởi tư duy bao đời tích trữ vàng không thể xóa bỏ một sớm, một chiều. Mong ước giá vàng trong nước sát với giá thế giới khó thực hiện được”, ông Quýnh nói.
Sự bất ổn trong cách hình thành giá vàng trong nước khiến chính những người kinh doanh vàng không khỏi e ngại. Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng miền Bắc, cho rằng: “Mọi diễn biến giá trên thị trường đều phụ thuộc vào thương hiệu vàng của NHNN là SJC, chứ thương hiệu riêng của doanh nghiệp đang bị mất dần. Chúng tôi chỉ ăn chênh lệch mua vào, bán ra và có muốn làm giá cũng không đủ lực để làm”.
Còn ông Trần Thanh Hải - Giám đốc Cty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam cho hay: “Bản chất giá vàng trong nước đang cao hơn nhiều so với thế giới là do trong nước thiếu nghiêm trọng nguồn cung”.
Ông Hải cũng đề xuất: “NHNN nên tổ chức và quản lý sàn giao dịch vàng tập trung (sàn giao dịch vàng vật chất, không phải loại hình sàn ảo như trước đây). Chính sách thiết lập, quản lý và vận hành sàn vàng phải thực sự minh bạch, ổn định và liên thông với thế giới. Ngân hàng thương mại (NHTM) được phép kinh doanh giao dịch vàng trên sàn này và cân bằng trạng thái vàng bằng công cụ phát sinh, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa không phải xuất lượng ngoại tệ lớn để nhập vàng”, ông Hải đề xuất.
Tuy nhiên, một Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM có cái nhìn lạc quan hơn: “Đến tháng 6, khi các NHTM phải tất toán xong trạng thái vàng thì nhu cầu mua vàng sẽ giảm, chênh lệch cung cầu sẽ ổn định. Bên cạnh đó, NHNN tuyên bố sẽ trực tiếp tham gia mua bán trên thị trường (hiện chủ yếu là bán ra) để đảm bảo điều hòa cung - cầu trên thị trường”.