Chiều tối 22-8-2013, liên bộ Tài chính - Công Thương đã phát đi văn bản về điều hành giá xăng dầu trong nước. Liên bộ nhấn mạnh để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp (DN) xăng dầu phải giảm giá 300 đồng/lít. Quyết định này vẫn kéo theo nhiều ý kiến băn khoăn.Lỗ, lãi không minh bạchTrong thông báo đăng tải trên website, Bộ Tài chính khẳng định: “Tính bình quân 30 ngày từ 23-7 đến 21-8-2013, mặc dù giá xăng trên thị trường thế giới có giảm song mức chênh lệch giữa giá cơ sở tính theo đúng quy định và giá bán hiện hành của mặt hàng xăng chỉ đủ để khôi phục lợi nhuận định mức theo quy định và ngừng sử dụng quỹ bình ổn giá”.
Thông báo này chưa đưa ra mức lỗ, lãi của DN bằng con số cụ thể. Nhưng trong thông báo gửi cho các DN kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính lại đưa ra con số tính toán khá chi tiết. Trong đó nêu, giá cơ sở 30 ngày từ 23-7 đến 21-8, xăng A92 là 24.574 đồng/lít trong khi giá bán hiện hành là 24.570 đồng/lít, DN đang lỗ 4 đồng/lít.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc quyết định giảm giá 300 đồng/lít lần này chỉ có tính chất tâm lý. Ảnh: HTD
Một tính toán khác, theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, tính đến ngày 21-8, giá cơ sở bình quân 30 ngày, xăng A92 là 24.357 đồng/lít trong khi giá bán lẻ là 24.570 đồng/lít. Vậy DN lãi 216 đồng/lít.
Có thể thấy dù con số của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chỉ mang tính chất tham chiếu nhưng có vẻ con số lỗ, lãi của DN chưa rõ ràng. Liên bộ chưa minh bạch con số cụ thể cho người dân được rõ.
Chưa hết, trong thông báo của liên bộ có nêu: “Để góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, liên bộ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá bán xăng tối thiểu 300 đồng/lít và tiếp tục được sử dụng quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít”.
DN không mất gì!Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng nếu DN được sử dụng thêm 300 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá thì thực chất DN không hề giảm giá bán chút nào. Như vậy, quyết định giảm giá lần này chỉ có tính chất tâm lý, trấn an người dân. Vì đến một lúc nào đó, quỹ bình ổn giá hết thì người dân lại phải gánh khoản đó.
“Tôi nghĩ dư luận cần nêu vấn đề này và đề nghị phía liên bộ Công Thương - Tài chính có giải thích rõ ràng với người dân. Tại sao giảm giá xăng 300 đồng/lít đồng thời lại cho DN sử dụng quỹ bình ổn tương đương với mức giảm giá? Điều này cần được nói ra để dư luận biết. Vì từ trước mỗi lần nói về quyết định giảm giá, cơ quan quản lý đều cho rằng hài hòa lợi ích DN - người dân. Nhưng rõ ràng lần này, DN không hề chia sẻ lợi ích gì với người dân cả” - ông Doanh nói rõ.
“Chúng tôi không có bình luận về điều này. Đối với DN chỉ biết tính theo giá cơ sở so với giá bán hiện hành thì là hòa vốn. Trong khi đó, liên bộ lại yêu cầu giảm giá. Nếu không cho sử dụng quỹ bình ổn thì DN lại lỗ. Vì vậy, câu hỏi tại sao lại giảm giá mà cho sử dụng quỹ thì chỉ có liên bộ mới trả lời được, còn DN chỉ biết làm theo” - ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, cho biết.
TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, nói thêm quyết định giảm giá mà liên bộ đưa ra thực chất không phải giảm giá. Mặc dù số tiền của người dân để mua một lít xăng có giảm nhưng DN đang lấy tiền “tiết kiệm” của người dân để bù vào. Nếu quỹ dương thì coi như tiền trước đây dân đã đóng, trường hợp quỹ âm thì người dân cũng vẫn phải tiếp tục đóng để bù. Suy cho cùng DN không mất gì.
“Tôi cho rằng tính minh bạch của chúng ta có vấn đề. Người tiêu dùng đằng nào cũng trả giá đó, chỉ có điều lấy tiền tiết kiệm từ trước đây hay sau này để trả vào thôi. Vì quỹ bình ổn giá không phải từ Nhà nước bỏ vào” - ông Sơn nhận định.
Quỹ bình ổn giá từng dư 55 tỉ đồng Đầu tháng 7-2013, Bộ Tài chính đã chính thức công khai tình hình trích lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến tháng 6-2013. Theo Bộ Tài chính, tình hình trích lập, sử dụng và số dư quỹ bình ổn từ ngày 1-1-2013 đến hết ngày 30-6 như sau: Số dư quỹ đến ngày 1-1-2013 là 756,383 tỉ đồng. Tổng số trích quỹ bình ổn giá đến ngày 30-6 là 2.231,452 tỉ đồng. Nhưng tổng số sử dụng quỹ đến ngày 30-6 lại lên đến 2.932,368 tỉ đồng. Như vậy, trong sáu tháng đầu năm, việc sử dụng quỹ đã vượt mức trích lập hơn 700 tỉ đồng. Tuy nhiên, do số dư quỹ từ đầu năm còn nên hiện số dư quỹ tại các DN còn hơn 55 tỉ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 20-5, chỉ có bốn DN trong tổng số 12 DN có dư quỹ. Còn lại đa số các DN kinh doanh xăng dầu khác đều âm quỹ. Hiện mức trích quỹ bình ổn giá đối với xăng là 300 đồng/lít và sử dụng quỹ cũng ở mức 300 đồng/lít. |