Trong suốt nhiều thế kỷ, y học phương Tây vẫn tin vào giả thuyết của Claude Galien (thầy thuốc nổi tiếng người Hy Lạp) rằng tinh dịch sinh ra từ não rồi chảy dọc theo cột sống và được dương vật phóng ra cho nên dương vật tượng trưng cho phương Đông, nơi phát sinh của sức nóng và ánh sáng.
Ảnh minh họa
Galien cũng xem dương vật như là “thành phần thứ 7” của nam giới, đặt ở vị trí trung tâm với các nhánh quanh nó là cẳng chân, cánh tay, cột sống và cái đầu.
Một lần xuất tinh có khoảng 500 triệu tinh trùng bơi trong một lượng tinh dịch nặng chừng 7 g. Đời một nam giới có thể mất đi gần 20 lít tinh dịch, trong đó có một lượng tinh trùng nhiều hơn khoảng 200 lần dân số thế giới.
Trong tinh dịch còn có ít nhất 2 vitamin là C và B12; nhiều chất khoáng quan trọng như canxi, kali, magie, phốt pho và kẽm; 2 chất giống như đường là fructose và sorbitol, hàm lượng protein cũng như cholesterol và natri rất cao.
Với thành phần như thế, mỗi lần xuất tinh thì số calo tiêu hao chỉ bằng người đi bộ vài cây số nhưng tại sao cơ thể lại thường phải ngủ một giấc mới có cảm giác phục hồi sức khỏe? Y học phương Tây dựa trên thực chứng, xem chừng không giải thích được.
Y lý phương Đông rất coi trọng tinh dịch và gọi là tinh, thứ tinh do con người tạo ra, là năng lượng mất đi khi xuất tinh. Do đó, hành vi thủ dâm bị xem như hành động hủy diệt năng lượng sống. Năng lượng được tổng hợp từ nhiều nguồn/kinh lạc chuyển đến cơ quan sinh dục trong giai đoạn hưng phấn. Việc xuất tinh làm cạn kiệt nguồn năng lượng của cơ thể.
Y học cả phương Đông và phương Tây đều cho rằng tình dục hợp lý sẽ không ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập hay năng suất làm việc và quá đam mê tình dục sẽ hại cho sức khỏe. Về phòng bệnh, người xưa cũng khuyên không nên có dục vọng cá nhân quá độ…
Danh y Tuệ Tĩnh có câu thơ nổi tiếng: “Bế tinh, dưỡng khí, tồn thần/Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình”. Người Trung Hoa cũng nhấn mạnh đến sự tiết chế dục vọng: “Nhất nguyệt dâm nhất độ, lương y bất đáo gia”, nghĩa là một tháng quan hệ tình dục một lần thì không bao giờ thầy thuốc đến nhà.
Theo Người lao động