Một nghiên cứu mới phát hiện, sữa bột công thức dành cho trẻ em có thể chứa hàm lượng nhôm gấp 100 lần trong sữa mẹ, vượt xa ngưỡng cho phép trong nước uống thông thường và có nguy cơ gây hại sức khỏe về sau của trẻ.Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Keele (Staffordshire, Anh) đã tiến hành kiểm tra 30 loại sữa công thức đang được bày bán ở Anh, kể cả loại sữa bột pha sẵn và một số sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Kết quả cho thấy, tất cả các mẫu kiểm nghiệm, bao gồm cả sản phẩm của những hãng sữa hàng đầu như Aptamil, Cow & Gate và Hipp Organic nhìn chung đều chứa hàm lượng nhôm tương đương nhau, nhưng cao nhất ở những dòng sữa đậu nành. Hầu hết các loại sữa bột thông dụng này đều chứa hàm lượng nhôm quá cao, gấp 100 lần trong sữa mẹ và vượt quá ngưỡng cho phép trong nước uống thông thường.
Luật quy định, hàm lượng nhôm trong nước uống không được vượt quá 200 microgram/lít, đồng nghĩa với một số sản phẩm sữa công thức cho trẻ em chứa hàm lượng kim loại này vượt mức cho phép nhiều lần. Dẫu vậy, các giới hạn do châu Âu đặt ra với nước uống không dựa vào các nguy cơ sức khỏe, mà chỉ tính đến vấn đề thẩm mỹ, liên quan đến màu của nước.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu trước đây từng phát hiện, việc hấp thu quá nhiều nhôm có liên quan đến những căn bệnh thần kinh, khiếm khuyết xương và chứng mất trí sau này trong đời của trẻ.
Giáo sư Chris Exley, người đứng đầu nghiên cứu của Đại học Keele và cũng từng lên tiếng cảnh báo nguy cơ nhiễm độc nhôm trong sữa bột trẻ em cách đây 3 năm, nhấn mạnh: "Chúng tôi tin, hàm lượng nhôm vừa phát hiện là quá nhiều đối với sự hấp thụ của một con người ở giai đoạn dễ tổn thường nhất trong cuộc đời họ".
Các nhà sản xuất quả quyết, họ không cho thêm nhôm vào sản phẩm sữa của mình, nhưng nhiều loại sữa công thức thường được đóng gói trong bao bì bằng nhôm và kim loại này có thể được tìm thấy ở nguyên liệu sữa hoặc quá trình chế biến. Nhôm cũng xuất hiện tự nhiên trong các cây đỗ tương do đất trồng chúng có tính axit.
Giới chuyên gia hiện kêu gọi các hãng sữa tìm cách làm giảm đáng kể hàm lượng nhôm tồn tại trong sản phẩm của họ và in rõ hàm lượng nhôm trên bao bì sản phẩm để các bậc cha mẹ có thể lựa chọn loại sữa bột thích hợp.
Tuấn Anh(Theo Daily Mail)