Mức thu phí bảo trì đường bộ mỗi năm đối với xe máy có dung tích dưới 100 cm3 là 50.000 đồng và xe dung tích trên 100 cm3 là 100.000 đồng.
UBND thành phố Hà Nội vừa ra quyết định, từ ngày 21/7 tới sẽ thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy.
Đối tượng chịu phí
bao gồm: xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy (không bao gồm xe máy điện). Mức thu phí đối với loại xe có dung tích xy lanh đến 100cm
3 là 50.000 đồng/năm; Loại xe có dung tích xy lanh trên 100cm
3 là 100.000 đồng/năm. Riêng đối với xe mô tô của lực lượng công an, quốc phòng, hộ nghèo được miễn phí.
UBND cấp xã, phường, thị trấn là cơ quan thu phí đối với xe mô tô của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn.
Từ 21/7, Hà Nội sẽ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô (Ảnh minh hoạ)
Theo quy định, đối với xe mô tô phát sinh trước ngày 1/1/2013 thì tháng 8/2013 thực hiện khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí 12 tháng. Đối với xe mô tô phát sinh từ ngày 1/1/2013 đến 30/6/2013, chủ phương tiện phải khai, nộp phí với mức bằng 1/2 mức thu năm. Thời điểm khai, nộp chậm nhất là ngày 30/8/2013.
Với phương tiện phát sinh từ 1/7/2013 đến 31/12/2013, chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí vào tháng 1/2014 cho phí phải nộp năm 2014 và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm 2013.
Kể từ ngày 1/1/2014 trở đi, với những phương tiện phát sinh từ ngày 1/1 đến 30/6 hàng năm, chủ phương tiện phải khai, nộp phí với mức thu phí bằng 1/2 mức thu năm. Thời điểm khai, nộp chậm nhất là ngày 31/7 hàng năm. Thời điểm phát sinh còn lại trong năm thì chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí vào tháng 1 năm sau và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh.
Trước đó, ngày 2/7, tại phiên họp HĐND Thành phố Hà Nội, Nghị quyết về ban hành một số quy định thu phí, lệ phí được biểu quyết thông qua.
Theo UBND Thành phố Hà Nội, mức phí này xuất phát từ việc lượng phương tiện lưu thông trên đường phố luôn ở mức cao. Năm 2012, Hà Nội có hơn 4,5 triệu xe mô tô. Kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm hơn 844 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết: “Hằng năm ngân sách thành phố phải bố trí một lượng vốn lớn để duy tu, duy trì thường xuyên hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra”.
Dương Tùng