Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói việc xếp loại học sinh tốt nghiệp tiểu học bằng điểm số cụ thể là “vô nghĩa”, và tuyên bố sẽ thay đổi.
Thủ tướng Lý Hiển Long (giữa) và các học sinh Trường tiểu học Teck Ghee. Singapore sẽ thay đổi cách xếp loại kết quả tốt nghiệp tiểu học - Ảnh: FACEBOOK LEE HSIEN LOONG |
Ông Lý nói điều này tại cuộc diễn thuyết trước quốc dân nhân dịp Quốc khánh vào tối 18.8. Vấn đề này trở thành một đề tài nổi cộm trong bài nói chuyện thường niên của ông Lý, bởi suốt năm qua, phụ huynh ở đảo quốc sư tử liên tục than phiền về áp lực ghê gớm đè lên mỗi gia đình khi con họ chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (PSLE).
“PSLE là một trong những kỳ thi quan trọng, bởi nó không chỉ phản ánh kết quả 6 năm tiểu học của học sinh, mà bởi phụ huynh tin rằng kỳ thi này quyết định tương lai của con cái họ”, ông Lý nhìn nhận. Bởi vậy, “nhiều người chờ đến kỳ thi của con mới nghỉ phép. Thậm chí có bà mẹ nghỉ làm nguyên cả năm để “học thi” cùng con gái”, ông kể. “Cả gia đình thi PSLE”, ông nói dí dỏm về áp lực của cuộc thi này.
Kể ra thì phụ huynh cũng có lý, bởi căn cứ vào điểm thi PSLE mà học sinh được chọn vào trường THCS nào và được đào tạo theo hệ nào: bình thường, đặc biệt hay hệ cao tốc, cũng như triển vọng sau này vào trường đại học hay trường nghề. “Nhưng tôi không đồng ý đó là cách thức mà hệ thống giáo dục của chúng ta vận hành. Chúng ta phải nhìn nhận nó và nhất định phải làm gì đó”, ông Lý quả quyết. Theo ông, hệ thống tính điểm PSLE, gọi tắt là T-Score với số điểm tối đa 300, và việc công khai điểm thi của học sinh như hiện tại là bất cập.
Ông nhớ lại: “Tôi không hề biết điểm PSLE của tôi và tôi tin những người cỡ tuổi tôi cũng không hề biết điểm của họ. Hồi tôi thi cách đây đúng 50 năm, điểm số là tuyệt mật. Bộ Giáo dục không bao giờ tiết lộ điểm thi của ai. Bạn chỉ biết bạn đậu hay rớt và được xếp vào trường nào thôi”. “Chúng tôi phải hồi hộp chờ đợi rất lâu để biết mình đậu hay rớt. May mắn là tôi đậu!”, ông nói thêm khiến cử tọa cười rần.
Nhưng ngày nay, “mọi người biết T-Score của nhau hết. Phụ huynh không chỉ biết điểm của con mình, mà cả của con bạn mình, con của anh em họ hàng... để rồi đem ra so sánh và bàn tán về tương lai của các đứa trẻ”. Bởi hệ thống đánh giá hiện tại căn cứ trên từng điểm lẻ, 230 điểm hay 231 điểm có thể tạo ra một khác biệt trời vực trong việc xếp trường, nên nảy sinh tâm lý so kè trong phụ huynh. “Ở độ tuổi 12, mới qua một kỳ thi 4 môn, mà chúng ta đã đánh giá đứa trẻ chỉ bằng vài điểm lẻ. Đó là một sự đánh giá vô nghĩa, quá tiểu tiết để làm!”, ông Lý nói. Theo ông: “Chúng ta chỉ có thể đoán chứ không thể khẳng định được ở tuổi 12 đứa trẻ nào khi lớn lên sẽ có năng lực hơn, có trách nhiệm hơn và đóng góp được nhiều hơn cho xã hội chỉ bởi sự hơn thua trong điểm số”.
“Chúng ta không nên tiếp tục xếp trường cho học sinh dựa trên một vài điểm khác biệt như vậy. PSLE sẽ được tính điểm theo cách khác với những băng điểm rộng rãi hơn”, ông Lý cho biết.
Thục Minh