Dịch đau mắt đỏ đang lây lan với tốc độ chóng mặt, gây nhiều tình huống dở khóc dở cười...
Chờ khám mắt tại Bệnh viện Mắt TP.HCM - Ảnh: Hà Minh |
Nằm mơ cũng thấy đau mắt đỏ
Thấy bé Lộc (5 tuổi, Q.7, TP.HCM) mắt bị đỏ và ghèn nhiều, chị Thư, mẹ bé biết ngay là bé bị đau mắt đỏ. Cũng như nhiều gia đình, sợ lây, chị đã dặn Phước, con thứ hai của chị: “Con đừng ôm vai, bá cổ nhìn lâu vào mắt anh nhé, kẻo bị lây đó”. Chị vừa dứt lời, Phước chạy qua chỗ Lộc cụng đầu vào anh và nói: “Con vừa nhìn mắt anh rồi. Con bị đau mắt đỏ rồi, mẹ xin phép cho con nghỉ học nhé”.
Đêm nằm ngủ cũng phải chia 2 phòng, chị Thư ngủ cùng Lộc còn chồng chị ngủ với con thứ 2. Vậy mà cu cậu Phước cứ chạy qua đòi ngủ chung với anh, dù bị xua đi nằng nặc “Em về phòng đi, lây bệnh đó!”.
Sáng hôm sau, đến lượt chị bị đau mắt đỏ. Việc cách ly chị và Lộc được tiến hành nghiêm ngặt hơn. Vậy mà hôm sau, chị đang ngủ thì nghe tiếng đập cửa kèm theo đó là tiếng Phước hét: “Mẹ ơi, mắt con đỏ rồi, cho con vào ngủ với mẹ và anh nhé”. Vậy là, cả 3 mẹ con chị Thư đều bị
đau mắt đỏ chỉ còn chồng là chưa bị bệnh “tấn công”.
Không chỉ gia đình chị Thư, nhiều gia đình khác cũng lao đao vì đau mắt đỏ. Gần đến ngày cưới con trai, vợ chồng ông Trung (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vừa phải tất bật lo các công đoạn chuẩn bị, vừa phải canh chừng bé Trang (13 tuổi, con út) đang bị đau mắt đỏ để không lây cho cả nhà.
Theo ông Trung, cứ nghĩ đến đám cưới mà vợ chồng ông mỗi người một cái kính đen che đau mắt đỏ như "xã hội đen" thì xem ra không ổn lắm.
| | Đau mắt đỏ vẫn chưa “hạ nhiệt” Những ngày gần đây, Bệnh viện Mắt TP.HCM tiếp nhận khoảng 200 lượt bệnh nhân/ngày khám về đau mắt đỏ (những ngày đầu tháng 9 là 230-250 lượt/ngày). Hiện chủ yếu là bệnh nhân đến tái khám, số ca mắc mới đã tương đối giảm. Còn tại khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM vẫn tiếp nhận khám cho hơn 20 trường hợp đau mắt đỏ/ngày, chiếm 50% số lượng bệnh nhân khám các bệnh về mắt trong ngày và gấp cả chục lần so với bình thường. Bệnh nhân không chỉ đến từ TP.HCM mà còn ở các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang, Tây Ninh. Theo các bác sĩ, thời tiết ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi để vi rút gây bệnh phát triển, bệnh vào đợt cao điểm thường là tháng 9, tháng 10. Mặt khác, đúng vào thời điểm năm học mới bắt đầu, trẻ chưa ý thức được cách phòng bệnh nên đau rất dễ lây lan trong trường học. | |
|
Vậy là Trang phải hạn chế đi lại, tránh tiếp xúc với người trong nhà và ngày nào cũng bị nhắc nhở nhỏ thuốc. Ông Trung cũng mua thêm mấy hộp thuốc nhỏ mắt khác, tích cực giục vợ con nhỏ để phòng bệnh. Chỉ đến khi đám cưới xong xuôi, tốt đẹp gia đình ông mới hết nỗi lo nơm nớp bệnh đau mắt đỏ.
Chị Vân (24 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM) làm việc tại một công ty truyền thông ở Q.3 kể, mấy tuần nay, số người bị đau mắt đỏ trong cơ quan chị cứ nhiều thêm. Những người chưa bị thì cứ nhìn thấy ai đeo kính đen là phải dè chừng, tốt nhất là làm lơ hoặc ít nói chuyện.
Người yêu chị Vân cũng bị đau mắt đỏ, nên mỗi lần đi ăn tối với nhau chị cũng dè chừng ít nói chuyện và nhìn vào mắt anh như mọi lần. Anh như hiểu ý, cũng nói ít hơn và quay nhìn đi hướng khác, lâu lâu mới nhìn lại chị.
“Khổ thật, bệnh đâu có chết người nhưng ai cũng sợ! Sáng nào dậy cũng phải lại gương nhìn coi mắt mình đã đỏ chưa”, chị Vân than thở.
Đi đâu cũng thấy người bị đau mắt đỏ, Kim Tuyến (25 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ám ảnh đến nỗi nằm ngủ cũng mơ thấy mình bị đau mắt đỏ. Sáng ra, chị lên facebook bày tỏ nỗi lòng: “Dịch đau mắt đỏ hoành hành từ Bắc vô Nam làm mình chưa bị mà cũng sốt vó theo nó luôn. Tối qua ngủ mơ còn thấy hai con mắt đỏ hoe, nước mắt tè le. Hy vọng dịch bệnh này mau hết chứ dạo này thế giới có dịch gì là tối nằm mơ mình mắc bệnh đó, ớn quá!”.
Cẩn thận với cách chữa dân gian
Không sử dụng thuốc nhỏ mắt và uống thuốc, nhiều người tìm đến các cách chữa dân gian. Một chị có nickname
Tunasushi chia sẻ trên một trang web, con chị đi chơi trung thu với một nhóm bạn bị lây đau mắt đỏ vì trong nhóm có một bé bị đau. Sau đó, cả chị và chồng đều bị lây. Bà vú giúp việc nhà chị dùng
rau răm ngâm nước ấm rồi đưa lau mắt, ngoài ra còn bỏ rau răm trên gối, võng khi trẻ ngủ.
Mấy ngày qua con trai 2 tuổi rưỡi bị đau mắt đỏ nên chị Huyền (27 tuổi, Q.9, TP.HCM) phải xin cơ quan nghỉ làm ít ngày để chăm con. Chị rất sốt ruột khi con khóc nhiều vì đau mắt và ghèn ra nhiều. Mẹ chồng ở quê liên tục gọi vào bảo đi mua lá trầu xông cho cháu, chị hỏi bạn bè thì được khuyên không nên xông bằng bất cứ loại lá cây nào nên chị băn khoăn chưa biết xử lý sao.
Có người còn chia sẻ cách sử dụng nước chè (trà) để rửa mắt. Tuy nhiên, những cách dân gian như trên khi chúng tôi đem hỏi bác sĩ Hồng Văn Hiệp, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, thì bác sĩ khuyến cáo những cách sử dụng lá cây để xông, đắp đều sai lầm.
“Làm như vậy rất dễ gây viêm nhiễm, bỏng mắt khiến tình trạng bệnh chẳng những không đỡ mà còn nặng hơn”, bác sĩ Hiệp nói.
Không phải cứ đỏ là... đau Đang trong mùa dịch đau mắt đỏ nên khi thấy bệnh nhân có triệu chứng đỏ mắt thì nhiều người nghĩ ngay đến chuyện người ấy bị đau mắt đỏ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đỏ mắt là triệu chứng của các bệnh lý khác về mắt. Bác sĩ Hồng Văn Hiệp cho biết ngoài đau mắt đỏ, có nhiều bệnh về mắt với dấu hiệu đỏ mắt như kích thích do môi trường, viêm, loét giác mạc, dị vật kết mạc, dị vật giác mạc, dị ứng mắt, chấn thương mắt, xuất huyết kết mạc do nhiều nguyên nhân khác nhau, viêm màng bồ đào trước (viêm mống mắt), bệnh tăng nhãn áp. Cách duy nhất để phân biệt các bệnh này là phải được bác sĩ chuyên khoa mắt khám. Bên cạnh đó, bác sĩ Hiệp cũng khuyến cáo nếu đúng là đau mắt đỏ, bệnh nhân cũng không nên tự ý mua thuốc để nhỏ vì nếu thuốc nhỏ không đúng liều, thời gian, không biết các chống chỉ định của thuốc, không được theo dõi các tác dụng phụ khi dùng thuốc sẽ gây biến chứng về mắt, có khi cả toàn thân. Ngoài ra, không tự ý mua thuốc, không cho thuốc cho người nhà, người quen nhỏ chung hoặc giới thiệu dùng khi thấy dùng thuốc có hiệu quả. Giữ vệ sinh cá nhân để không bị bội nhiễm và tránh lây lan. Không chùi dụi mắt quá nhiều, quá mạnh và tuyệt đối không đắp lá cây lên mắt. |
Hà Minh