Việc Bộ GD-ĐT chính thức đồng ý với UBND TP.HCM chuyển sinh viên Trường ĐH Hùng Vương sang trường khác thi tốt nghiệp hoặc làm khóa luận khiến dư luận đặt câu hỏi: giải pháp này đã thật sự hợp lý chưa và Bộ có vi phạm chính quy chế đào tạo?
Sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Phóng viên Báo Thanh Niên đã trao đổi với GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, về những thắc mắc này. Ông Ga cho biết:
Do con dấu bị chiếm giữ trái phép, đến nay Trường ĐH Hùng Vương không thể tổ chức cho sinh viên (SV) tốt nghiệp theo đúng kế hoạch đào tạo. Nói cách khác, hoạt động đào tạo đối với SV năm cuối của trường đã bị tự ngừng, gây thiệt hại cho người học. Trong trường hợp này, theo quy định tại điểm b, khoản 4, điều 9 của Nghị định số 49/2005/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 40/2011/NĐ-CP), trường có trách nhiệm khôi phục quyền học tập của SV năm cuối theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Trường ĐH Hùng Vương đã có văn bản đề nghị, UBND TP.HCM đã nhất trí và Bộ đồng ý với đề xuất của trường về việc chuyển SV năm cuối sang một số trường ĐH khác để làm tốt nghiệp là phù hợp với quy định tại Nghị định số 49.
Chưa tính toán đến việc cấp bằng
Thưa ông, Bộ có phương án cấp bằng như thế nào sau khi SV thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ khóa luận ở các trường khác?
| | Các trường nhận sinh viên Theo quyết định của Bộ GD-ĐT, 4 trường ĐH sẽ chịu trách nhiệm tổ chức thi tốt nghiệp cho 1.563 SV Trường ĐH Hùng Vương gồm: Sài Gòn, Mở TP.HCM, Công nghệ TP.HCM, Nông Lâm (thuộc ĐH Huế) | |
|
Trong quá trình xử lý vụ việc tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, quyền lợi của SV được đưa lên hàng đầu. Về thời gian thi tốt nghiệp, Bộ cũng để trường chủ động trên nguyên tắc ưu tiên cho SV. Nếu SV cần ôn tập, trường phải thu xếp xem khả năng lúc nào các em đủ điều kiện thì mới tổ chức thi. Về bằng cấp, trước mắt SV cứ yên tâm thi tốt nghiệp, sau một tháng, Bộ sẽ xem xét, tính toán cấp bằng như thế nào hợp lý và đảm bảo quyền lợi cho SV nhất.
Nếu trong thời gian này Trường ĐH Hùng Vương giải quyết được con dấu thì trường này cấp bằng là tốt nhất. Trong trường hợp bất đắc dĩ là con dấu không thể nào có được trong thời hạn quy định thì Bộ sẽ nghiên cứu phương án khác. Bộ sẽ bàn với các trường để có hướng xử lý đặc biệt cấp bằng cho SV. Tuy đây là vụ việc chưa có tiền lệ nhưng trong quá khứ vẫn có những trường hợp đặc biệt và Bộ cũng có thể xử lý đặc biệt. Trong quy chế không lường trước được việc này thì mình phải có biện pháp xử lý.
Nhưng có nhiều trường ngoài công lập chất lượng tốt và có đào tạo các ngành học của Trường ĐH Hùng Vương, sao Bộ lại chuyển SV này qua các trường công lập?
Bằng cấp và chương trình đào tạo, chuẩn chất lượng của các trường công lập và ngoài công lập đều như nhau. Luật Giáo dục cũng quy định không phân biệt giữa trường công lập và ngoài công lập. Vì vậy, chuyển SV từ trường ngoài công lập qua thi tại các trường công lập không có vướng mắc gì. Bộ chọn trường thuận lợi nhất, có nhiều ngành phù hợp nhất trong thành phố để SV dễ dàng thi.
Ngoài ra, việc UBND TP.HCM và Bộ GD-ĐT đồng ý cho các trường công lập tổ chức thi tốt nghiệp cũng đã tính toán đến quyền lợi của SV. Đây là các trường có uy tín tốt, được xã hội thừa nhận để không có sự dễ dãi trong việc thi tốt nghiệp/bảo vệ khóa luận. Sau này, người ta không nghi ngờ về chất lượng của các em, giúp các em không bị ảnh hưởng bởi chuyện ở Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM trước đó.
Bộ nói không sai quy chế
Nhưng Quy chế 25 đào tạo ĐH và CĐ hệ chính quy có quy định SV năm cuối không được phép chuyển trường. Vậy việc Bộ đồng ý cho SV chuyển sang thi tốt nghiệp ở trường khác có trái với quy chế không, thưa ông?
Việc Bộ đồng ý cho phép chuyển SV năm cuối của trường này sang một số trường khác không vi phạm Quy chế đào tạo ĐH và CĐ chính quy ban hành theo Quyết định số 25/2006/QĐ-BGDĐT. Vì rằng, điều 9 của quy chế này quy định về điều kiện và thủ tục SV được xét chuyển trường; không áp dụng cho trường hợp cơ sở đào tạo đề xuất chuyển SV sang cơ sở đào tạo khác. Mặt khác, quyết định cho phép chuyển SV cũng do lãnh đạo Bộ ký thì hoàn toàn có giá trị pháp lý.
Hiện tại không có phương án nào khả thi hơn nữa để giúp SV ngoài phương án này. Chúng ta không thể để SV bơ vơ mãi được. Vả lại, chính lãnh đạo Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM cũng thừa nhận mình không thể đảm bảo được việc tổ chức thi tốt nghiệp và phải nhờ đến các cơ quan quản lý.
UBND TP.HCM làm thay việc của trường? Theo quy trình xử lý vụ việc tại Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, lãnh đạo trường (cụ thể là hiệu trưởng tạm quyền) sẽ liên hệ với các trường có ngành phù hợp, ký hợp đồng với các trường này để chuyển SV thi tốt nghiệp. Sau đó, trường sẽ báo cáo lên UBND TP.HCM và Ủy ban sẽ đề nghị Bộ GD-ĐT đồng ý phương án này. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vai trò của lãnh đạo Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM khá mờ nhạt. UBND TP.HCM liên tục ra công văn khẩn chỉ đạo việc hợp tác với các trường khác. Chưa kể, trong Công văn số 5517/UBND-VX - PV, UBND TP.HCM còn liên hệ với Trường ĐH Nông Lâm (thuộc ĐH Huế) để nhờ... hỗ trợ. Cụ thể, Ủy ban đề nghị Trường ĐH Nông Lâm (thuộc ĐH Huế) hỗ trợ việc tổ chức thi cho 55 SV năm cuối của ngành công nghệ sau thu hoạch (Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM) và cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên theo quy định. |
Đăng Nguyên