Bất chấp lệnh cấm tụ tập chính trị, hàng trăm người Thái Lan vẫn xuống đường để phản đối cuộc đảo chính quân sự tại nước này.
Người biểu tình đối đầu với quân đội - Ảnh: Minh Quang
|
“Phản đối đảo chính, Prayuth cút đi!”, tiếng của người đàn ông trong loa phóng thanh vang lên giữa đường phố Bangkok liền được đáp lại bằng những câu khẩu hiệu “phản đối”, “cút đi” của hàng trăm người đi theo. Họ vừa đi, vừa la hét từ Trung tâm thương mại Major Cineplex. Trên tay nhóm người này là các bảng giấy viết vội với những dòng chữ chống quân đội, chống đảo chính và yêu cầu tổ chức bầu cử. Qua những đoạn khu dân cư, nhóm biểu tình được người dân hai bên đường đổ ra ủng hộ cả tinh thần và những chai nước uống giúp giải khát trong cái nóng gay gắt ở Bangkok.
Vừa biểu tình vừa… run
Những người biểu tình đang hăm hở bước đi thì một giọng nữ vang lên “dừng lại, đằng trước có quân đội, đông lắm”. Ở Bangkok, biểu tình là chuyện thường ngày, những người phản đối kéo đi khắp đường phố chẳng mảy may sợ sệt. Thế nhưng lần này lại khác. Thái Lan trong thời kỳ thiết quân luật, quân đội đang kiểm soát toàn diện, tụ tập trên 5 người cũng đủ để bị bắt, chứ chưa nói tụ tập đông người, lại còn tuần hành khắp đường phố. Chính vì vậy mà đoàn người lập tức dừng lại với chút hoang mang dù hồi sáng họ từng đối mặt với quân đội ở Major Cineplex. Có người đề nghị rút lui, giải tán, có người thì bảo đi đường vòng để ra Tượng đài Chiến thắng, ở đó có một nhóm biểu tình khác đang chờ họ. Bỗng giọng một người đàn ông vang lên: “Đừng sợ! Tiếp tục đi, để xem quân đội sẽ làm gì?”.
Như được động viên, dòng người biểu tình tiếp tục tiến về phía trước. Cách họ vài trăm mét, một đội quân tay lăm le khẩu AK dàn hàng ngang, đằng trước là một lớp cảnh sát với khiên và gậy, phía sau là những chiếc xe tải được sử dụng làm chướng ngại vật. Đoàn người cố vượt qua, người sau đẩy người trước nhưng với lực yếu ớt của một vài người tiên phong nên không phá được hàng rào đầu tiên, nói gì đến binh lính phía sau. Thấy vậy một số người thoát khỏi đám đông, chạy qua kia đường nhưng họ nhanh chóng bị một nhóm binh sĩ chặn lại. Một cuộc giằng co bắt đầu, rồi dẫn đến xô xát giữa người biểu tình và quân đội. Tuy nhiên, với lực lượng đông lại được yểm trợ của cảnh sát, quân đội dễ dàng khuất phục người biểu tình. Họ buộc phải thay đổi lộ trình bằng cách lên tàu điện trên cao để đến Tượng đài Chiến thắng. Một cuộc đụng độ nữa diễn ra ở bùng binh bến xe trung tâm này. Một nhóm người quá khích tấn công binh lính, khiến ít nhất 5 người bị thương. Cuộc biểu tình ở tượng đài về sau thu hút càng nhiều người, hơn ngàn người. Trước lượng người ngày càng đông, quân đội quyết định rút khỏi hiện trường, bàn giao lại khu vực biểu tình cho cảnh sát giám sát.
Một người đàn ông giơ biểu ngữ phản đối đảo chính - Ảnh: Minh Quang
|
Biểu tình phản đối đảo chính không chỉ xảy ra ở Bangkok, mà ở Chiang Mai người dân cũng đổ ra đường phản đối quân đội, phần lớn là người Áo đỏ, lực lượng ủng hộ gia đình cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và anh trai Thaksin của bà. Tuy nhiên, biểu tình ở Chiang Mai khá yếu ớt, nhanh chóng bị quân đội khống chế và ít nhất 5 người bị bắt giam. Chị Ratchanok, một người của phe Áo đỏ, cho Thanh Niên biết hôm qua không phải là lần đầu tiên phe này đối đầu với quân đội. Hôm đảo chính 22.5, hơn chục ngàn binh lính bao vây khu biểu tình của Áo đỏ bên ngoài Bangkok dẫn đến xô xát giữa hai bên. Kết quả là hơn 40 người thuộc phe này bị bắt. Biểu tình hôm qua ở Bangkok là do phe Áo đỏ khởi xướng.
Giải tán thượng viện
Sau khi giành quyền điều hành chính phủ, hôm qua quân đội Thái Lan tiếp tục tuyên bố giải tán thượng viện và giành quyền lập pháp về tay giới lãnh đạo quân sự dù thượng viện Thái Lan chưa chính thức ra mắt nhiệm kỳ mới sau bầu cử hồi cuối tháng 3.2014. Đây là cơ quan lập pháp duy nhất còn lại sau khi chính phủ bị lật đổ của cựu Thủ tướng Yingluck giải tán hạ viện cuối năm 2013. Quân đội cũng quyết định thay đổi người đứng đầu của ngành cảnh sát và Cơ quan điều tra đặc biệt DSI. Như vậy, cả hành pháp và lập pháp đã bị quân đội khống chế sau cuộc đảo chính do Tư lệnh bộ binh Prayuth Chan-ochan lãnh đạo, chỉ còn tư pháp là chưa bị can thiệp.
Hôm qua, chính quyền quân sự Thái Lan tiếp tục bắt buộc trình diện thêm 30 người thuộc hàng “yếu nhân” của quốc gia và sẽ trừng phạt với mức án 2 năm tù nếu kháng lệnh. Trước đó, quân đội đã lệnh cho 155 chính khách được cho là có liên quan đến bất ổn chính trị ở Thái Lan nộp mình. Hầu hết họ đã trình diện, trong đó có bà Yingluck. Theo thông báo của quân đội, 150 người trong số này phải ở lại doanh trại của quân đội để tiếp tục “làm công tác tư tưởng” trong vài ngày nữa.
Chỉ đi Thái Lan nếu thật cần thiết
Ngày 24.5.2014, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến tình hình gần đây tại Thái Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi tình hình đang diễn ra tại Thái Lan. Việt Nam mong muốn Thái Lan sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực”.
Cùng ngày, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã khuyến cáo công dân Việt Nam lưu ý, chưa đi Thái Lan nếu không thật cần thiết cho tới khi tình hình ổn định. Khuyến cáo cũng nêu rõ cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan tuân thủ các quy định của chính quyền sở tại, kịp thời liên hệ với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Thái Lan nếu cần hỗ trợ.
Theo TTXVN
|
Minh Quang