Sáng 22.5, Công an tỉnh Quảng Trị đã tổ chức buổi họp báo thông báo kết quả điều tra vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa H.Hướng Hóa (Quảng Trị) làm 3 trẻ sơ sinh tử vong.
Việc tổ chức họp báo về vụ án của Công an tỉnh Quảng Trị được dư luận địa phương đánh giá cao
|
Nhiều thông tin của vụ án đã phần nào được làm sáng tỏ trong cuộc họp báo sáng 22.5
|
Thượng tá Lê Quang Công, Quyền trưởng phòng CSĐT về TTXH, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết sau khi khởi tố vụ án (10.10.2013), Công an tỉnh Quảng Trị phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45), Bộ Công an đã khẩn trương tập trung làm rõ vụ án.
Đến ngày 26.3, cơ quan này đã bắt bà Nguyễn Thị Thuận (y tá tại Bệnh viện đa khoa H.Hướng Hóa, trú khóm 3B, thị trấn Khe Sanh) vì hành vi “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”. Đến nay, bà Thuận đã nhận tội.
Theo kết quả điều tra, ngày 20.7, bà Thuận được một y tá khác mở khóa phòng khám của bệnh viện để vào lấy vắc xin viêm gan B cho 3 trẻ sơ sinh được bảo quản trong tủ lạnh.
Lúc này, bệnh viện đang bị mất điện nên bà Thuận lấy điện thoại di động soi để lấy vắc xin. Sau khi về lại khoa sản, bà Thuận nạp vắc xin vào 3 ống tiêm rồi lần lượt tiêm cho 3 trẻ sơ sinh.
Đến khi nghe tiếng kêu cứu của gia đình bệnh nhi, bà Thuận đã đưa các cháu lên phòng đơn nguyên để cấp cứu.
Nghĩ mình đã tiêm nhầm thuốc, bà Thuận quay lại phòng khám, lấy hộp đựng 3 lọ thuốc đã tiêm trước đó, cho vào túi áo. Đồng thời, y tá này lấy thêm 3 lọ vắc xin viêm gan B trong tủ lạnh đưa về phòng hút hết thuốc ra rồi cho vào sọt rác.
Đối với 3 vỏ thuốc đã tiêm nhầm, bà Thuận vứt dưới gốc cây trong bệnh viện; đối với hộp đựng thuốc, bà Thuận mang vào phòng vệ sinh và thấy trên hộp có ghi chữ “thuốc độc” nên vứt ra cửa sổ.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, “vắc xin viêm gan B” mà bà Thuận đã lấy và tiêm cho các cháu, dẫn đến thảm kịch, thực chất là thuốc Esmeron.
Đây là loại thuốc giãn cơ, dùng trong gây mê, thuộc nhóm thuốc độc do bác sĩ Lê Huỳnh Sơn (nhân viên của Bệnh viện đa khoa H.Hướng Hóa) tự gửi vào tủ lạnh của phòng khám để bảo quản từ cuối tháng 5.2013 và lấy bút lông ghi vào chữ “thuốc độc”.
Đại tá Trần Đức Việt, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị trả lời chất vấn của đại diện các cơ quan báo chí
|
Tại buổi họp báo, đông đảo phóng viên cũng đã đặt các câu hỏi cho cơ quan điều tra và Sở Y tế Quảng Trị.
Tiền Phong: Vụ án xảy ra vào ngày 20.7.2013, non 3 tháng sau, ngày 10.10.2013, Cơ quan CSĐT mới khởi tố vụ án và gần 7 tháng sau mới khởi tố bị can là khá lâu. Có sự chậm trễ hoặc vướng mắc gì không?
Đại tá Trần Đức Việt, Phó giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Quảng Trị: Có thể nói việc điều tra vụ án này gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất do hiện trường đã bị xáo trộn do bị can đã có nhiều việc làm đối phó với cơ quan điều tra. Chúng tôi cũng đã khẩn trương lấy mẫu vật, mẫu phẩm theo đúng quy định nhưng kết quả giám định ban đầu cũng gặp khó. Hơn nữa, đây là vụ án liên quan đến lĩnh vực y tế, chúng tôi phải nhờ cả đến hội đồng y khoa, mời các nhà khoa học để tham khảo ý kiến. Nói chậm là chậm so với mong mỏi của dư luận chứ chúng tôi phải làm hết sức thận trọng. Đến thời điểm 7 tháng sau khi vụ án xảy ra, chúng tôi mới có đầy đủ chứng cứ khởi tố bị can.
Thanh Niên: Liệu cơ quan CSĐT đã lưu ý đến trách nhiệm của bác sĩ Sơn, người đã tự gửi thuốc độc vào tủ lạnh và các cấp cao hơn của bị can Thuận? Cơ quan CSĐT có hướng xử lý như thế nào với việc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị đã cấp chứng nhận tiêm chủng “giả” cho bị can Thuận khi đoàn liên ngành kiểm tra sau khi sự cố xảy ra?
Đại tá Trần Đức Việt: Y tá Thuận chưa được tập huấn, chưa được cấp giấy chứng nhận về tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Nhưng thời điểm sau khi vụ án xảy ra, chúng tôi phát hiện có một chứng nhận do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị cấp cho y tá Thuận. Điều này là sai và chúng tôi đã thu hồi chứng chỉ này. Dưới góc độ luật pháp, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ vì sao có chuyện này.
Quá trình điều tra, chúng tôi cũng đã tự đặt ra nhiều câu hỏi và sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Nếu nhẹ, sẽ xử lý hành chính còn nếu có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm hình sự.
Cũng tại cuộc họp báo, đại diện báo Nhân Dân và báo Pháp luật TP.HCM đề nghị cho công bố kết luận khoa học, kết quả giám định các mẫu phẩm của vụ án nhưng đại diện Cơ quan CSĐT đã “xin khất”. “Cái này chúng tôi xin phép chưa công bố vì vụ án vẫn đang trong quá trình tiếp tục điều tra”, đại tá Trần Đức Việt nói.
Nguyễn Phúc
(thực hiện)