Sau hơn 10 ngày kể từ khi giá xăng tăng lên mức kỷ lục, 18h ngày hôm qua - 9/4, giá xăng giảm 500 đồng, còn 24.050 đồng/lít.
Giải thích về phương án điều chỉnh giảm giá xăng dầu, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: Bộ Tài chính đang điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84 về quản lý các mặt hàng xăng dầu và Thông tư 234. Theo đó, thời gian điều chỉnh với xăng dầu tối thiểu là 10 ngày.
Ông Tuấn cho biết, ngày 8/4, các doanh nghiệp chốt tính giá bình quân. Nếu tính từ ngày 28/3, giá bán lẻ và giá cơ sở xăng dầu chênh lệch từ 42 – 481 đồng/lít. Trên cơ sở đó liên bộ yêu cầu điều chỉnh giá bán lẻ để cân bằng với giá cơ sở hiện hành. “Việc giảm giá xăng dầu từ 450 – 500 đồng/lít là hoàn toàn hợp lý”, ông Tuấn nói.
Trước thắc mắc của phóng viên về việc giá xăng dầu trong nước đang chênh lệch cao so với nhiều nước trong khu vực, vị cục trưởng cho hay đó là do các nước được chính phủ “bao cấp”.
Theo lý giải của Cục trưởng Cục Quản lý giá, với một số nước đang thực hiện điều hành giá theo thị trường thì giá xăng dầu cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên, một số nước do được Chính phủ bao cấp nên giá xăng dầu thấp hơn.
“Việc điều chỉnh giá bán tăng để ngang bằng giá các nước trong khu vực chỉ là một khía cạnh để xem xét thôi”, vị này nói.
Thông tin thêm, ông Tuấn khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu thực hiện đúng theo Nghị định 84 của Bộ tài chính. Theo đó, khi giá bán lẻ chênh lệch với giá cơ sở, cơ quan này sẽ yêu cầu điều chỉnh. Nếu còn quỹ Bình ổn giá, Liên bộ Tài chính – Công Thương sẽ dùng bù đắp chênh lệch khi giá tăng cao. Nếu giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở thì yêu cầu các doanh nghiệp phải giảm giá.
“Chúng tôi đang thực hiện đúng nguyên tắc điều hành giá xăng dầu trong nước thông qua các công cụ về quỹ Bình ổn giá” - ông Tuấn nói.
Sơn Trà