Lúc còn yêu, Thu cho Hưng mượn cả chục triệu đồng. Khi cần tiền để trang trải, Thu đòi thì anh ta không trả mà còn trách móc và chửi cô là "đồ vô ơn".
Kể với chuyên viên tâm lý, Thu (Tiền Hải, Thái Bình) cho biết cô quen và yêu Hưng đến nay đã ngót hai năm. Bố mẹ không ưng ý nhận xét Hưng “không bình thường”, Thu vẫn muốn cho bản thân một cơ hội.
Đồng lương giáo viên mầm non còm cõi, Thu dành dụm cả năm mới được chút tiền tiết kiệm. “Khi Hưng hỏi mượn tiền để giải quyết công việc riêng, tôi không ngần ngại cho mượn cả trục triệu đồng vì nghĩ rằng giúp nhau trong lúc khó khăn là điều nên làm. Không ngờ anh ta được ăn học đàng hoàng mà lại hành xử theo kiểu ăn cháo đá bát như vậy", cô gái ấm ức.
Sau một thời gian yêu nhau, Hưng bộc lộ nhiều thói xấu khiến Thu và cả gia đình không chấp nhận được. Thu tìm cách rút lui.
|
Ảnh minh họa: Sling. |
“Có lẽ cay cú vì bị tôi từ chối tình cảm nên Hưng mới hành xử như vậy”, Thu suy luận về việc người yêu cũ phớt lờ món nợ. Cô giáo trẻ sốc nặng khi người yêu cũ bảo số tiền vay mượn đó đã được trừ vào tiền quà cáp mà anh ta mua tặng cô và những người trong gia đình.
Thu cho biết nhất quyết đòi lại số tiền đó vì phải chắt chiu mãi mới tích góp được. Gần đây, mỗi lần Thu gọi điện cho Hưng thì đều bị chặn cuộc gọi nên không liên lạc được. Cực chẳng đã cô gái định tìm đến thẳng công ty của Hưng để làm cho ra chuyện. "Nếu anh ta cứ lẩn trốn, tôi cũng không cần giữ thể diện cho anh ta nữa", cô quả quyết.
Trang, sinh viên năm cuối một trường đại học tại TP HCM cũng rơi vào cảnh ngộ khó xử tương tự. Cô yêu Khải từ năm nhất, cả hai giúp nhau rất nhiều trong học tập cũng như cuộc sống thường ngày. Thường xuyên được nhận học bổng và dạy kèm nên Trang để dành được một khoản tiền kha khá. Một hôm người yêu ngỏ lời mượn tiền để đóng học phí, Trang vui vẻ đưa mà không đắn đo suy nghĩ. Cô nữ sinh còn tỏ ra tự hào vì dù gì cũng giúp đỡ được người khác trong những lúc khó khăn.
Sau lần ấy, mỗi khi kẹt tiền Khải lại tìm đến Trang để vay mượn. “Phải chăng tôi quá dễ dãi trong chuyện tiền bạc để rồi khi hết tiền, anh ấy tìm đến tôi như một ngân hàng. Không cho mượn thì tôi thấy áy náy, nhưng đưa rồi thì không thấy anh ấy trả lại”. Trang nhẩm tính, đến thời điểm chia tay Khải đã mượn cô tổng cộng trên 7 triệu đồng.
Trang chia sẻ, biết là chia tay sẽ khó đòi lại tiền nhưng cô không chấp nhận việc mình bị lừa dối hết lần này đến lần khác. Mỗi lần cần tiền để đóng chi phí học thêm hay trang trải cuộc sống, cô gọi điện nhắc nhở về số nợ nhưng Khải cứ ậm ừ hứa tới hứa lui.
"Nhiều hôm anh ta hẹn tôi đến nhà và trả được vài trăm nghìn, sau đó thì mất dạng hoặc tìm cách lảng tránh mỗi khi giáp mặt. Đáng giận hơn, không có tiền trả nợ nhưng bạn bè bảo suốt ngày Khải ở quán net”, Trang thở dài. Cuối cùng Trang đành gọi điện kể cho mẹ Khải mọi chuyện, song mẹ anh ta nói rằng đó là việc riêng của hai đứa nên không thể giúp được gì.
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên viên tâm lý Phạm Sỹ, Trung tâm Nhịp Cầu Hạnh Phúc cho rằng yêu là chia sẻ, hy sinh, chấp nhận nhau ngay cả những khuyết điểm, song lời khuyên cho các cặp đôi là nên hạn chế tối đa dính líu đến chuyện tiền bạc như vay mượn hoặc góp số tiền lớn để làm ăn, buôn bán. "Bớt liên quan đến chuyện tiền bạc là bớt đi những phiền toái về sau nếu chẳng may rơi vào tình cảnh đường ai nấy đi".
Riêng việc giúp nhau trong những lúc khó khăn về kinh tế là điều tốt vì qua đó, phần nào thể hiện tình yêu dành cho nhau. Tuy vậy, cũng nên biết giới hạn và điểm dừng để tránh bị lệ thuộc hoặc phải đối diện với những suy nghĩ thiếu thiện chí từ người khác. "Không chỉ với người yêu mà ngay cả khi cho người nào đó mượn một khoản tiền, bạn phải suy nghĩ thật cẩn thận xem liệu mình có thể sống mà không cần khoản tiền đó không. Nếu câu trả lời là có thì nên cho mượn, còn không thì phải cân nhắc lại", ông Sỹ khuyên.
Theo chuyên viên Phạm Sỹ, ở vào những tình huống trên, người trong cuộc không nên có những lời qua tiếng lại mà gặp gỡ trực tiếp để trao đổi hoặc nhờ những người trung gian có uy tín để tìm cách giải quyết. Người có lòng tự trọng và còn sĩ diện thì tự khắc sẽ tìm cách hoàn trả lại số tiền đã mượn. Nếu gặp những đối tượng “cù nhầy” thì việc nhắn tin hay gọi điện sẽ không đem lại hiệu quả mà đôi khi còn chuốc thêm những bực dọc cho bản thân.
“Không ngoại trừ khả năng những người rơi vào hoàn cảnh trên phải bỏ số tiền đã cho mượn vì không thể đòi lại được. Nếu có cố gắng đòi lại bằng mọi cách thì cũng nên lường trước những tác động, ảnh hưởng từ việc làm của mình để tránh những hệ lụy không như mong đợi”, chuyên viên này nhắc nhở.
Cũng theo chuyên viên Phạm Sỹ, để hạn chế tối đa những phiền toái liên quan đến chuyện tiền bạc khi yêu, các bạn trẻ nên tự chủ về vấn đề tài chính của mình. Nên vay mượn bạn bè hoặc người thân khi cần thiết. Các bạn cũng không nên có những liên quan về kinh tế khi cả hai chưa có ràng buộc cụ thể về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân gia đình.
Thiện An