) Bị đuổi học từ lớp 3, nhậu nhẹt, đánh lộn như cơm bữa; năm 20 tuổi mới bắt đầu học đọc, viết tiếng… Việt, vậy mà cưới được cô vợ Nga xinh đẹp có 2 bằng đại học… Đó là vài nét "chấm phá" trong tiểu sử của huấn luyện viên Nguyễn Ngọc Kin, tay lướt ván diều tốc độ vô địch Châu Á năm 2011.
Kin đang lướt sóng để chuẩn bị cho những cú nhào lộn trên không - Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Giang hồ nhí
Cao 1,55m, da đen cháy, tóc dài, người xăm trổ vằn vện, nhìn Kin (do nhầm lẫn nên trong khai sinh ghi là Kim-PV) giống một tay giang hồ thứ thiệt hơn là huấn luyện viên lướt ván diều. Mà cũng phải, Kin là giang hồ thực sự…!
Cả cái khu Hàm Tiến-Mũi Né (Phan Thiết) ai mà không biết từ khi còn bé, Kin đã nổi tiếng vì… quậy phá, đánh lộn. Đi học thì đánh bạn, cúp cua; về nhà thì kết bè lũ lang thang gây rối. Vì thế, chỉ “ngoi” lên được lớp 3, Kin bị đuổi học vì học dốt và đánh bạn. Ba mẹ đi biển, nhà cũng nghèo, nên “sẵn tiện” bị đuổi, Kin xin theo ghe đi biển phụ nấu ăn, sai vặt.
Không còn đi học, những ngày đi biển về, việc của Kin chỉ là... nhậu và đánh lộn.
“Tui bị công an mời lên phường nhiều như cơm bữa”, anh nói. Có lần, Kin và bạn gây chuyện với một nhóm dân chơi Sài Gòn ở Mũi Né. Đám Sài Gòn đến mười mấy người, trong khi nhóm Kin chỉ có bốn. Rượu vào, Kin chẳng sợ gì nữa. Đánh không lại, Kin lấy hai chai xăng tưới lên người mình, tay cầm hộp quẹt rượt đám Sài Gòn để “cùng chết”. Cũng may, Kin không “chụp” được ai, nhưng sau đó thì anh bị công an “chụp” về trụ sở để làm việc.
Năm 15 tuổi, Kin bỏ nhà ra Nha Trang làm tôm. Hai năm ở đây, sống chung với dân tứ xứ, có cả tội phạm trốn lệnh truy nã, tiền bạc không để dành được đồng nào nhưng “trình độ” nhậu và đánh lộn của Kin lại “tiến bộ” vượt bậc.
“Ngoảnh đi ngoảnh lại mình đã 20 tuổi, không học hành, không nghề ngỗng. Em út lóc nhóc, ông già lại bệnh phổi không làm việc nặng được nữa. Tui quyết định tu…!”, Kin tâm sự.
Học “i-tờ” khi 20 tuổi
Ở Mũi Né, thấy người nước ngoài lướt ván diều hay quá, Kin bỏ chạy ba gác, mon men xin giúp việc dài hạn cho một du khách Úc chơi lướt ván diều tại đây.
Nguyễn Ngọc Kin tại biển Mũi Né - Ảnh: Nguyễn Tập
|
Nhận Kin vào rồi, ông chủ mới té ngửa khi biết anh chàng này gần như… mù chữ.
“Hồi xưa, tui học được lên tới lớp 3, đúng ra cũng phải đọc, viết thông thạo nhưng hồi đó chỉ lo đánh lộn, trốn học nhiều quá nên tui chỉ biết đọc, viết lỏm bỏm. Sau khi bị đuổi học là bỏ luôn nên chữ nghĩa quên hết ráo”, Kin kể.
Sợ mất chỗ làm, Kin lụi cụi tìm sách tập đọc, vở tập viết lớp 1 học lại. Đều đặn mỗi ngày, vào giờ rảnh, bàn tay to bè, thô ráp một thời chỉ biết nắm đấm, cầm gậy đánh lộn, nhậu nhẹt giờ lại kiên nhẫn hí hoáy vật lộn với con chữ. Những lúc làm việc (chủ yếu đi nhặt diều, làm lon ton sai vặt…) nghe ông chủ nói tiếng Anh, Kin lép nhép đọc theo và học thuộc lòng, dù chẳng biết viết những thứ đọc theo đó ra thế nào.
|
|
Huấn luyện viên lướt ván diều quốc tế Trần Đăng Hải, Giám đốc công ty Cánh Diều Việt chuyên dạy lướt ván diều tại Mũi Né cho biết: “Kin là một trong những tay lướt ván diều ‘thứ dữ’ ở Châu Á. Anh nổi tiếng trong giới bởi "chiêu" tự chế của mình là một tay một chân lái diều, tay và chân kia giữ tấm ván và lướt lùi trên mặt biển”. |
|
|
Thương chàng trai trẻ chịu khó, ông chủ nhận dạy Kin lướt ván diều miễn phí. Bao nhiêu kỹ thuật, kinh nghiệm, ông truyền hết cho Kin. Và chính Kin cũng không bao giờ nghĩ rằng, những kinh nghiệm về cách giữ thăng bằng trên biển, cách nhận biết con gió, con sóng từ tháng ngày lênh đênh trên biển theo ghe đánh cá làm “tà lọt” lại trở nên cực kỳ có ích cho môn lướt ván diều này.
Như cá gặp nước, Kin tiến bộ vùn vụt, anh nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật, trở thành một tay chơi lướt ván diều có hạng và chỉ vài năm sau trở thành một trong số ít huấn luyện viên lướt ván diều đầu tiên tại Việt Nam có bằng cấp quốc tế.
Bạn bè trong giới thường gọi Kin là Vua Mũi Né vì anh liên tiếp giành giải cao nhất ở giải đấu lướt ván diều King of Mũi Né(Vua Mũi Né). Năm 2011, tại giải Châu Á KTA (Kiteboard Tour Asia) với sự tham dự của hơn 100 vận động viên từ 25 nước trên thế giới (diễn ra lần lượt tại 6 nước Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines và Trung Quốc), dù chỉ tham gia tranh tài tại 4 nước nhưng tổng số điểm cũng đủ để Kin giành đến ba giải: giải nhất tốc độ, giải ba kỹ thuật và giải ba chung cuộc. Với thành tích xuất sắc đó, Kin vươn lên đứng thứ 72 trong bảng xếp hạng thế giới về môn lướt ván diều tự do.
Tuy vậy, điều gì cũng có cái giá của nó. Để trở thành một trong những tay lướt ván diều hàng đầu Việt Nam như bây giờ, ngoài những “trả giá” vô hình trong cuộc sống, Kin còn đổi bằng 2 cái xương sườn gãy, tuột cơ tay, gãy xương vai. Còn chuyện trật tay, trật chân không tính vì… nhiều vô kể!
Đoạn kết có hậu
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2006, khi cô designer người Nga có hai bằng đại học Anastasiya Lebedeva nhờ Kin dạy chơi lướt ván diều.
Ngay buổi đầu tiên, chẳng biết anh chàng lùn tịt, đen đúa dạy cô học trò tóc vàng cao hơn nửa cái đầu thế nào mà sau đó hai người lại dính chặt vào nhau. Vài năm sau, sản phẩm của tình yêu là hai đứa con Nguyễn Lebedeva Đông và Nguyễn Lebedeva Vân lần lượt ra đời.
Đến nhà Kin chơi, thấy hai đứa nhỏ tóc vàng đang ngồi nghịch đất, miệng tía lia cãi lộn bằng tiếng Việt với bọn trẻ khác, thỉnh thoảng lại quay sang nhau xì xồ tiếng Nga. Kin cười khoe: “Hai đứa con tui đó. Mẹ nó về Nga thăm gia đình rồi”.
Kin đang thực hiện một trong những kỹ thuật rất khó của môn lướt ván diều là "bay cao - rút ván - lộn ngược đầu" - Ảnh: Nhân vật cung cấp
|
Ngồi trong căn nhà nhỏ nhưng khang trang, Kin bật máy tính đọc mail, vào facebook gõ nhoay nhoáy, thỉnh thoảng lại líu lo trả lời điện thoại bằng tiếng Anh lưu loát. Nhìn Kin, không ai nghĩ chỉ mới đây thôi, anh hãy còn là một chàng dân chài mù chữ, vô danh.
Ngày xưa, thấy con mình chơi với Kin, hàng xóm sợ con bị rủ rê hư hỏng. Còn bây giờ? Chính họ cũng đem Kin ra “làm gương” cho con, cháu mình: “Tụi bây ăn chơi, quậy phá bằng thằng Kin không, vậy mà bây giờ nó lo được cho cha, cho mẹ”.
Cho đến giờ, Kin đã dạy lướt ván diều và giới thiệu cho gần 10 người bạn nghèo trong xóm ngày xưa có việc làm ổn định.
Kin tâm sự: “Không có lướt ván diều, có lẽ giờ này tui đã ngồi tù, hoặc chết rấp ở đâu đó vì đánh lộn, đâm chém rồi. Bây giờ có cuộc sống tốt, tui muốn mở lớp dạy lướt ván diều cho bọn nhỏ lang thang, mồ côi. Biết đâu cuộc đời này rồi sẽ có những thằng Kin khác…!”
Nguyễn Tập