Một số cơ sở sản xuất vô lương tâm đã dùng đủ chiêu trò, thủ đoạn để biến thịt lợn chết, thịt thối thành các món ăn ngon lành như chả, ruốc, nem, bóng, bì... Thậm chí, họ còn có thể biến thịt ôi trở thành thịt tươi trong nháy mắt.Lợn tai xanh làm chả, làm ruốc
Dù cả huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đã được khoanh là vùng dịch cần được kiểm soát chặt chẽ nhưng tình hình giết mổ, buôn bán thịt lợn vẫn diễn ra bình thường.
Theo một “đồ tể” chuyên giết mổ lợn tại đây, những ngày đầu dịch mới bùng phát, để tránh tình trạng lợn bị thú y giết rồi tiêu hủy với số tiền đền bù ít ỏi, nhiều gia đình đã “bán tống bán tháo” số lợn còn lại để “vớt vát” . To trên nửa tạ thì được lợn thu mua với giá 300.000-500.000 đồng/con. Sau khi thu mua, hầu hết lợn được thương lái đem ra Hà Nội tiêu thụ.
Theo tiết lộ của “đồ tể” này, thịt lợn ở vùng dịch không chỉ để bán ngay tại thời điểm hiện tại mà còn được chế biến để bán dần. “Chắc chắn sau khi hết dịch, giá thịt lợn và sản phẩm chế biến từ thịt lợn sẽ tăng. Chúng tôi cứ thu mua, có bao nhiêu mua bằng hết, một phần để bán thịt, phần lớn sẽ quay giò, chả, hay làm ruốc để bán dần. Nói chung là chả sợ ế”.
Thịt lợn thối thành bóng bì
Chủ cơ sở sản xuất bóng bì, mỡ lợn cho biết họ thu mua bì lợn ở khắp nơi, vì nguồn hàng không phải lúc nào cũng có nên nhiều khi người thu mua phải đợi gom được số lượng kha khá mới gửi xe lên, vì thế việc bì lợn đã có mùi ôi là không tránh khỏi.
Để giải quyết mùi khó chịu và sự chuyển màu của những miếng bì, các cơ sở sản xuất áp dụng “tuyệt chiêu” vô cùng đơn giản nhưng hiệu quả, đó là ngâm bì lợn trong nước ôxy già. “Phần lớn các cơ sở dùng chất tẩy trắng, chỉ hơn 10.000 đồng/kg, một muỗng nhỏ thuốc tẩy ngâm với 200 lít nước có thể tẩy trắng hàng tạ bì”, chủ cơ sở sản xuất tiết lộ.
Tại một cơ sở sản xuất bóng bì và mỡ lợn, nhiều đống bì lợn bèo nhèo, đã bốc mùi hôi thối “vứt” bừa bãi dưới nền giếng bẩn, ẩm ướt, phân gà, bụi than từ cái bếp than tự chế để rán mỡ ngay bên cạnh. Bì lợn thì được ngâm qua dung dịch để làm trắng, sau đó sấy khô thành bóng bì cung cấp cho các hàng lẩu, các cửa hàng bán đồ khô.
Nem chua Thanh Hóa làm từ bì lợn bẩn
Lực lượng chức năng đã phát hiện 2,5 tấn bì lợn không đảm bảo an toàn vệ sinh chuẩn bị bán cho các cơ sở làm nem chua trên địa bàn Thanh Hóa.
Qua kiểm tra đã phát hiện cơ sở sản xuất nem, giò, chả Anh Vũ do ông Lê Văn Vũ, ở số 07/19, đường Nam Sơn, phường Nam Ngạn (TP.Thanh Hoá) làm chủ có 2 tủ cấp đông chứa khoảng 2,5 tấn bì lợn không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có hợp đồng mua bán hàng hoá, không có hoá đơn chứng từ và không được kiểm định chất lượng vệ sinh thực phẩm.
Được biết, số hàng trên được ông Vũ nhập từ tỉnh Nam Định về trong khoảng thời gian tháng 12/2012 và được bảo quản trong tủ cấp đông. Bình quân mỗi ngày cơ sở này bán khoảng 50kg bì lợn dạng sợi cho các cơ sở sản xuất nem chua trên địa bàn TP. Thanh Hoá.
Thịt thối thành lạp xưởng
Đoàn kiểm tra liên ngành quận Bình Tân (TP.HCM) đã phát hiện tại cơ sở lạp xưởng An Bằng (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) sản xuất mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại hiện trường, gần 1 tấn mỡ thối, thịt heo bốc mùi để la liệt dưới nền nhà dơ bẩn.
Chủ cơ sở không chứng minh được nguồn gốc số thịt lợn nguyên liệu. Bên cạnh đó, hàng chục tấn sản phẩm được đóng thùng chuẩn bị mang ra thị trường tiêu thụ. Dụng cụ chế biến thô sơ, cũ kỹ, cáu bẩn để khắp mọi nơi. Công nhân làm việc không sử dụng bảo hộ lao động, không có giấy chứng nhận sức khỏe.
Tùy thuộc vào làm nem, chả, lạp xưởng mà cho phụ gia theo công thức. Các loại phụ gia này được chủ cơ sở mua về từ chợ Kim Biên, không ai biết là chất gì. Tuy nhiên khi dùng nó thì hàng bảo quản được cả tháng mà không bị hư hại.
Mặc dù được sản xuất từ nguyên liệu bẩn, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhưng các sản phẩm chả, lạp xưởng... vẫn được buôn bán công khai tại các chợ trên địa bàn TP.HCM.
Lợn bệnh thành thịt quay
Ngày 9/5/2013, lực lượng thú ý TP.HCM đã bắt giữ một chiếc xe khách 15 chỗ vận chuyển hơn 1,1 tấn thịt lợn bệnh trên đường vào thành phố để giao cho một xưởng sản xuất lợn quay.
Số thịt lợn trên đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch cũng như bất kỳ giấy tờ liên quan, nhiều con thịt đã bị biến chất, xuất huyết ngoài da và bốc mùi hôi thối. Theo lời khai của tài xế, số hàng trên được thuê chở từ xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) về giao cho một cơ sở chế biến heo quay ở quận 4 (TP.HCM).
Biến thịt thối thành thịt tươi
Nếu như các chiêu chế biến thịt chết thịt thối thành ruốc, chả, nem, bóng, bì... khiến người tiêu dùng hoang mang về chất lượng của đồ chế biến sẵn thì tuyệt chiêu “hô biến” thịt thối thành thịt tươi lại càng làm cho người tiêu dùng mất lòng tin vào chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngay cả với những loại thực phẩm được tận mắt nhìn thấy độ tươi ngon.
Miếng thịt đã để 3 ngày buộc kín trong nilon, bốc mùi thiu thối, phần mỡ chuyển sang màu vàng. Lấy một ít nước trong, cho 1 thìa bột săm pết vào rồi hòa cho tan. Cho miếng thịt đã bốc mùi khủng khiếp, chuyển màu vào nước có pha bột săm pết. Khoảng 2 phút sau, miếng thịt đã thay đổi. Thịt trở nên mềm, màu sắc tươi mới. Ngay cả màu vàng trên mỡ cũng biến mất. Đến cả mùi thịt thối cũng không còn.
Nhị Anh