Sau một ngày ông Trần Tấn Phong (51 tuổi, ấp Cà Tong, xã Thanh An, H.Dầu Tiếng, Bình Dương) bị bắt giam, có 26 người dân đã ký đơn gửi Cơ quan CSĐT tố cáo hành vi đánh đập, hành hạ công nhân và chém người của ông chủ xưởng cưa.
Như Thanh Niên đã thông tin, ông Trần Tấn Phong (chủ cơ sở cưa xẻ gỗ Tấn Phong) đã bị Cơ quan CSĐT Công an H.Dầu Tiếng khởi tố và bắt tạm giam về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Trở lại ấp Cà Tong ngày 5.7, PV Thanh Niên ghi nhận nhiều người dân tỏ ra bức xúc do ông Phong không chỉ đối xử hà khắc với người lao động mà còn có những hành vi côn đồ đối với người dân đã giúp đỡ công nhân (CN).Dùng mã tấu, chó dữ... đi tìm công nhân
Chị Đặng Thị Tuyết Thu (25 tuổi, nhà ở cạnh xưởng gỗ Tấn Phong) cho biết: “Nhiều lần CN bỏ trốn, ông Phong trực tiếp cầm tuýp sắt, dắt theo chó dữ, còn 2 con ông Phong cầm dao, mã tấu và những người khác cầm gậy gộc đi lùng sục khắp xóm để tìm kiếm. Người nào may mắn trốn thoát thì đỡ, còn CN bị bắt được thì ông Phong cho người dùng gậy đánh từ đầu xưởng đến cuối xưởng…”. Bản thân chị Thu cũng nhiều lần cứu giúp CN thì bị ông Phong gọi điện thoại dằn mặt. Sau đó, chị Thu còn phát hiện ông Phong đặt bàn chông (là những thanh bê tông có cây sắt chĩa ra ngoài) ở gần khúc cua đường vào nhà chị Thu. Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Cẩm Ngọc cũng nhiều lần giúp CN và bị ông Phong đe dọa "cả nhà đừng nên bước ra đường".
Còn anh Châu Li Na (28 tuổi, ngụ Sóc Trăng) cho biết, trong thời gian làm việc gần một năm ở trại gỗ của ông Phong, anh đã được chứng kiến nhiều người trốn bị bắt lại và bị đánh đập. Anh Na kể: “Khoảng giữa năm 2012, có một người tên Long, quê Trà Vinh bị ông chủ nhốt suốt ngày suốt đêm. Vì muốn đi vệ sinh nên anh Long phá mái tôn lên ngồi tiểu tiện. Sáng hôm sau, ông chủ biết sự việc đã đá vào người anh Long và bắt anh Long đền 4 triệu đồng, trừ vào tiền lương. Anh Long sợ nên nửa đêm bỏ trốn, bỏ luôn số tiền lương chưa nhận của mình”. Theo anh Na, mỗi lần có CN bỏ trốn, ông Phong bắt anh cùng một số CN khác cầm gậy đi tìm. Nếu không tìm được thì bị trừ 500.000 đồng vào lương.
Vết sẹo trên đầu anh Đạt do bị chém - Ảnh: Đỗ Trường |
Ông Võ Văn Khanh (49 tuổi) và anh Trần Văn Đạt (33 tuổi, cùng ngụ ấp Cà Tong) cho biết: Cách đây vài năm, cả hai đang ngồi uống cà phê ở 2 quán khác nhau gần trại gỗ thì chứng kiến ông Phong cùng 2 người con trai và một số người khác cầm mã tấu, dao, gậy... xông vào 2 quán cà phê để chém người. Ông Khanh nói: “Người nhà ông Phong cầm gậy xông vào đánh một số thanh niên đang ngồi trong quán. Lúc này, ông Phong đứng ở ngoài chỉ đạo “chém nhầm hơn bỏ sót”, nên tôi bị đánh gãy sống mũi, nhưng không được xin lỗi, hay bồi thường gì”. Còn anh Đạt ngồi ở quán cà phê gần đó, cũng bị một người con của ông Phong cầm mã tấu chém trúng đầu gây thương tích. Sau đó, Công an xã Thanh An mời lên hòa giải và anh Đạt được ông Phong bồi thường trên 3 triệu đồng nên không khiếu nại gì thêm.
Khi PV Thanh Niên nêu lên hàng loạt hành vi của ông Phong diễn ra trong thời gian dài mà người dân nhiều lần tố giác như cầm tuýp sắt, dao, mã tấu, dắt theo chó dữ... đi tìm CN, thì ông Lê Đại Lượng, Trưởng công an xã Thanh An, lúng túng trả lời: “Hai vụ chém người xảy ra ở địa phương là có thật (vụ chém ông Khanh và anh Đạt - PV), nhưng lâu quá rồi, lúc đó tôi đi học nên chỉ nghe báo cáo lại. Còn việc người dân tố giác ông Phong thì tôi chưa tiếp nhận được đơn thư nào cả. Chỉ có một lần có 2 CN bỏ trốn khỏi trại gỗ đến Công an xã đề nghị giúp đỡ vì họ bị ông Phong giữ giấy tờ tùy thân, không trả lương trong 3 tháng, thì công an đã giải quyết rồi”.
Trong khi đó, một số người dân ấp Cà Tong lại cho biết nhiều lần họ báo cho Công an xã Thanh An biết, nhưng không được giải quyết thấu đáo.
"Thế lực của ông Phong" Ông Đoàn Văn Mai, công an viên xã Thanh An (phụ trách ấp Cà Tong) cũng thừa nhận, việc ông Phong và người nhà cầm tuýp sắt, mã tấu, gậy gộc đi lùng sục tìm CN bỏ trốn xảy ra nhiều lần. Trong đó, ông Mai khẳng định: "Khoảng cuối năm 2011, có 7 CN trốn thoát khỏi trại gỗ, thì bị gia đình ông Phong (kể cả vợ ông Phong) tổ chức đi tìm kiếm. Sau khi tôi tìm được họ, thì phải cho tiền ăn sáng và đưa 7 CN này giao Công an xã Thanh An giải quyết". Theo thiếu tá Hồ Văn Dũng, Phó trưởng công an H.Dầu Tiếng, đa số CN vào làm trong trại gỗ là người dân tộc, trình độ văn hóa thấp, ít hiểu biết. Họ vào làm được 1 - 2 tuần, do không chịu được sự hà khắc nên tìm cách bỏ trốn. Những người khác thì bị giữ giấy tờ tùy thân, giữ lương và họ sợ thế lực của ông Phong nên không dám bỏ trốn. Hỏi thêm về "thế lực của ông Phong", thiếu tá Dũng chỉ nói: “Chúng tôi vào trại gỗ của ông Phong thì thấy bình thường, nhưng người lạ vào sẽ cảm thấy sợ bởi cách bố trí rất dữ dằn của ông Phong, cùng với những người làm ở đây”. Theo quan sát, tại trại gỗ của ông Phong được lắp đặt 8 camera, trong đó có camera chĩa thẳng vào nơi CN ngủ và đi vệ sinh trong căn nhà được hàn bằng khung sắt. Bên ngoài thì rất nhiều chó dữ. |
Đỗ Trường