Cũng như hàng trăm ấp khác trong tỉnh, song ấp Phước Khánh (xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang) lại đặc biệt là có nhiều cặp sinh đôi nhất ở An Giang hiện nay.
Người dân ấp Phước Khánh sinh sống bằng nghề làm ruộng rẫy, một số gia đình bám mặt đường thì mua bán nhỏ lặt vặt kiếm sống qua ngày. Hàng trăm năm nay, nhiều thế hệ nối tiếp nhau cứ lần lượt ra đời, cũng có khi sinh đôi, sinh ba… nhưng chẳng ai để ý tới, bởi đó là chuyện bình thường.
Chỉ cho đến khi trò chuyện cùng ông Ngô Văn Thi, nguyên Chủ tịch UBND xã Phước Hưng (hiện là Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Phú), những câu chuyện về “ấp sinh đôi” mới dần được hé mở. Ông Thi sinh ra và lớn lên ở đây gần 50 năm, nhưng những câu chuyện về “ấp sinh đôi” chỉ thực sự nở rộ từ những năm 1982 - 1983. Vậy là sau một hồi co tay nhẩm tính, ông cho biết chỉ trong chiều dài đoạn đường chưa đầy 500m của ấp Phước Khánh đã có 14 cặp sinh đôi, lớn nhất 37 tuổi, nhỏ nhất thì sắp sửa chào đời!
|
Cặp sinh đôi Kiều Chị - Kiều Em, nay một người đã có gia đình. |
Trước đó, người dân trong ấp cũng như trong xã không mấy để ý đến các cặp song sinh. Họ làm ăn, sinh sống rồi sinh con đẻ cái như bao vùng quê khác nên việc những cặp song sinh ra đời với họ không có gì đặc biệt. Thời gian sau này, hiện tượng sinh đôi mới tăng dần, rất nhiều cặp song sinh lần lượt ra đời ở ấp Phước Khánh, và cứ thế kéo dài cho tới nay khi con số sắp sửa lên đến 14 cặp (hiện còn đầy đủ 10 cặp gồm 5 cặp nam - 5 cặp nữ, trong đó 9 cặp dưới 30 tuổi và 2 cặp song sinh sắp sửa chào đời).
Giống nhau như 2 giọt nước
Khi nghe đề cập về chuyện sinh đôi của ấp Phước Khánh, anh Bùi Quang Trực, Bí thư Chi bộ- Trưởng ấp cho biết ngay: “Cái này đặc biệt lắm nghen. Hồi đó tới giờ chỉ có anh tới tìm hiểu, chứ chưa có nhà báo nào biết chuyện này đâu”.
Sau vài câu trao đổi, anh Trực đưa tôi đến nhà thăm cặp sinh đôi đầu tiên là Phan Văn Chiến - Phan Văn Thắng (sinh năm 1989). Chiến - Thắng là cặp con trai út trong nhà có 9 anh em, gia đình đều là nông dân chân chất ở đây từ bao đời nay.
Điểm đặc biệt là gia đình có tới hai cặp sinh đôi: Sau khi lập gia đình năm 2008, vợ Chiến mang thai và sinh 2 bé gái giống nhau như 2 giọt nước là Phan Lâm Phương Thanh - Phan Lâm Thu Thanh (năm 2009).
Còn gia đình của Phạm Nộ Hán cũng có 2 đứa em sinh đôi là Phạm Khanh Tuấn Kiệt- Phạm Khanh Tuấn Hải (cùng sinh năm 1986). Bản thân Nộ Hán cũng có 2 con trai sinh đôi là Phạm Tấn Lợi - Phạm Tấn Lộc (sinh năm 2011).
|
Cặp song sinh Kim Ngân - Kim Hà. |
Hầu hết các cặp sinh đôi đều giống nhau, có cặp giống nhau đến mức khó phân biệt được. Chú hai Lón là cha của cặp song sinh Phan Thị Kiều Chị - Phan Thị Kiều Em (sinh năm 1987) dí dỏm cho biết: Vợ chồng tui có 7 đứa con. Hồi nhỏ, ở nhà muốn kêu một trong hai đứa (Kiều Chị - Kiều Em) thì phải kêu 1 lượt cả 2 đứa lên. Nhiều lúc, tụi nó quậy phá, đứa này quậy mà la mắng nhầm đứa kia là chuyện thường. Ở nhà mình còn nhầm thì khi đi học, bạn bè, thầy cô kêu “lộn” tên là chuyện thường xuyên… Thậm chí có trường hợp cứ khóc thét lên vì mẹ bắt phải uống thuốc tới 2 lần, còn đứa kia thì đang nằm nhởn nhơ chưa uống tí thuốc nào, bởi vì hai đứa giống nhau như đúc.
Rồi còn nhiều cặp sinh đôi khác cũng giống nhau như 2 giọt nước, trong đó có cặp song sinh dễ thương Bùi Thị Kim Ngân - Bùi Thị Kim Hà (sinh năm 2009) là con của anh Bùi Quang Trực, Bí thư kiêm Trưởng ấp Phước Khánh.
Mua sắm gì cũng có cặp, có đôi
Sự gắn kết của trẻ sinh đôi rất đặc biệt và hầu hết trẻ sinh đôi đều chia sẻ mọi thứ. Vì vậy, điều thường thấy ở các cặp song sinh là khi mua sắm gì cũng phải cùng màu, cùng kiểu, nói chung là phải giống nhau, như: Mang dép giống nhau, mặc đồ, mua đồ chơi, chọn áo gối… cũng phải giống.
Thậm chí, khi người này bệnh thì người kia cũng “khụt khịt” sổ mũi, nhức đầu, trước sau gì cũng bệnh theo! Theo anh Chiến và anh Trực: “Có khi đứa này bệnh, đứa kia cũng bắt đầu khò khè. Vậy là mình chở 2 đứa cùng đi tới bác sĩ trị luôn một lượt”.
|
Cặp sinh đôi Phương Thanh - Thu Thanh. |
Mặc dù chưa ai lý giải nguyên nhân của hiện tượng sinh đôi ở đây, nhưng cuộc sống của những người dân ở “ấp
sinh đôi” vẫn bình yên, đầm ấm theo thời gian. Các cặp song sinh lớn lên và có cuộc sống như bao người bình thường khác. Nhiều người đã dựng vợ, gả chồng, sinh con cái, nhiều người đi làm ăn xa tận Bình Dương, Đồng Nai, nhưng cũng có nhiều người vẫn bám trụ với quê hương ấp Phước Khánh lo chuyện đồng áng, ruộng rẫy… để xây dựng cuộc sống của mình.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhi: Cần tạo những nét riêng biệt giữa 2 trẻ song sinh để chúng có thể phát huy hết khả năng bẩm sinh mà không bị ảnh hưởng lẫn nhau. Cần đa dạng hơn về trang phục và cần tôn trọng các nhu cầu, sở thích khác nhau của các con. Mục đích không chỉ là để dễ dàng phân biệt hơn về hình thức bề ngoài, mà còn để khuyến khích trẻ phát huy những tính cách, năng khiếu cá nhân riêng biệt. Khác nhau không chỉ về quần áo mà còn về cả những đồ dùng cá nhân hàng ngày, như: Màu gối, màu cặp, kiểu dáng bàn chải đánh răng... và cả đồ chơi. Nói tóm lại, trong mọi trường hợp, không nên quá “đồng phục” cho trẻ song sinh và cũng không nên cố tình áp đặt những nét khác nhau giữa chúng, tất cả đều làm hạn chế sự phát triển của trẻ. |
Theo NLĐ/Angiang