Mặc dù chỉ một số sản phẩm của Similac, Karicare, Dumex bị nghi nhiễm khuẩn phải thu hồi, song do tâm lý hoảng sợ, các bà mẹ đã kêu gọi tẩy chay toàn bộ các sản phẩm liên quan. Ế ẩm, hàng loạt cửa hàng đã phải rút hết sữa nghi nhiễm độc khỏi quầy kệ, ngừng bán.Đồng loạt ngừng bánSau khi có quyết định thu hồi từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), một số siêu thị và cửa hàng đã nhanh chóng rút khỏi quầy, kệ các mặt hàng Similac bị nghi nhiễm khuẩn. Đáng lưu ý, những sản phẩm khác của Similac, Karicare và Dumex cũng bị rút xuống, không còn bày bán tràn lan như trước.
Theo công văn gửi Cục An toàn thực phẩm, văn phòng đại diện của Công ty Abbott tại Việt Nam cho hay đã đi kiểm tra và nhận hàng từ 2.060 cửa hàng, 90 nhà phân phối tại địa phương và 5 chuỗi siêu thị có bán Similac GainPlus Eye-Q cho trẻ từ 1-3 tuổi bị nghi nhiễm khuẩn.
Ông Đỗ Thái Vương, Giám đốc đối ngoại Văn phòng Abbott, nói rằng 10 lô sữa Similac nghi nhiễm khuẩn được nhập vào Việt Nam từ ngày 17/6 đã bán ra 12.927 thùng, thu hồi được 10.135 thùng. Trong đó, thùng sữa loại 400g có 24 hộp, thùng sữa 900g có 12 hộp.
|
Thu hồi gần hết sữa Similac nghi nhiễm khuẩn (ảnh TBKTSG) |
Văn phòng Abbott đã khẩn trương thu hồi, đồng thời cũng có nhiều khách hàng mua sữa liên hệ đổi sản phẩm. Tuy nhiên, chưa thể định lượng được số hàng đã được trẻ “dùng hết” là bao nhiêu, ông Vương cho hay.
Khảo sát trên các tuyến phố của Hà Nội như Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn (Đống Đa), Hoàng Hoa Thám (Ba Đình), Trần Cung (Cầu Giấy)... , hầu hết các mặt hàng sữa bị nghi nhiễm độc không còn bày bán nữa.
Chị Nguyễn Thị Thu, chủ một cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Lương Bằng, cho biết, chiều 5/8 nhà cung cấp đã đến thu hồi tất cả số lon sữa Similac GainPlus Eye-Q tại cửa hàng nghi nhiễm khuẩn.
Song, theo quan sát của PV, những sản phẩm sữa khác của Similac cũng không còn hiện diện trên quầy kệ nữa. Lý giải điều này, chị Thu nói: “Người dân họ hoảng sợ, tẩy chay tất cả các loại sữa liên quan đến Similac chứ không riêng loại nghi nhiễm khuẩn độc. Hàng ế ẩm, khó bán nên chúng tôi rút toàn bộ số sữa liên quan đến Similac, bởi có để cũng chẳng ai hỏi mua”.
Trên đường Hoàng Hoa Thám, 8/10 cửa hàng đã rút hết và ngừng bán các sản phẩm sữa có cùng thương hiệu.
Tương tự, một nhân viên tên Thúy của cửa hàng thực phẩm tổng hợp trên đường Tây Sơn cũng cho hay cửa hàng đã phải rút hết sữa Similac xuống do các bà mẹ quá lo sợ không mua nữa. “Ngay cả đến sữa Dumex cũng vậy, cả ngày không bán nổi một lon, khách hàng đến mua sữa chẳng ai buồn hỏi về những loại sữa này, trong khi bình thường vẫn bán chạy, nhân viên này nói.
Tại TP.HCM, ghi nhận tại các đại lý sữa trên địa bàn thành phố, hầu hết các sản phẩm sữa Similac GainPlus Eye-Q đã không còn được bày trên các kệ, quầy của đại lý.
Thị trường đã có sự phản ứng cứng rắn từ các kênh phân phối. Cụ thể, ngay sau khi nhận được tin về sữa nhiễm khuẩn độc, hệ thống siêu thị LOTTE kiên quyết hoàn trả lại tất cả những sản phẩm Similac GainPlus Eye-Q (loại hộp 400g và 900g) nhập từ công ty 3A bất kể số lô. Siêu thị cũng yêu cầu có công văn xác nhận chất lượng từ các hãng sữa khác để công bố cho khách hàng biết.
|
Loại sữa nghi nhiễm độc phải thu hồi (ảnh Dân Việt) |
Mẹ bối rối, đổ hết sữa liên quan sản phẩm độcLiên tiếp các thông tin sữa nhiễm độc được đưa ra, hết loại này đến loại khác làm cho các bậc làm cha làm mẹ như “ngồi trên đống lửa”. Họ lo lắng bởi lượng sữa đã cho con uống có thể gây hại đến sức khỏe.
Chị Quỳnh Trang ở ngõ 20 Hồ Tùng Mậu (Hà Nội), chia sẻ: “Thấy thông tin mấy loại sữa nhiễm độc mà tôi run hết cả người, con tôi đang ăn đúng loại sữa đó. Giờ thì chỉ ngồi cầu trời cho con không làm sao”. Con nhà chị dùng sữa Karicare đã được bốn tháng nay. “Nhà còn 3 lon sữa Karicare nữa, chẳng biết có nhiễm khuẩn không nhưng vợ chồng tôi quyết định bỏ hết cho yên tâm”, chị Trang nói.
Cũng như chị Trang, chị Thùy Dung ở Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) đang cho con uống sữa Similac GainPlus Eye-Q ngay lập tức đã dừng lại mặc dù hộp đang uống dở không trùng với lô sữa phải thu hồi. Chị Dung lý giải, không ai có thể chắc chắn rằng các lô sản xuất trước đó là an toàn nên không dùng thì tốt hơn.
Không ít bà mẹ đang cho con ăn các loại sữa ngoại nhập cũng cảm thấy lo lắng và bối rối bởi sự cố Similac và Karicare. Các mẹ băn khoăn không biết phải làm thế nào để chọn được sữa “sạch” cho con. Đây cũng là chủ đề nóng hổi trên các diễn đàn, mạng xã hội... mấy ngày gần đây. Người thì cho rằng nên quay về với sữa nội, trong khi số khác lại cho rằng sữa nhập khẩu vẫn yên tâm hơn. Hầu hết đều lo ngay ngáy.
Thành viên mekunnhim tâm sự, giờ chị hoài nghi cả sữa ngoại thay vì trước đó vẫn ca ngợi hết lời về chất lượng, độ an toàn. Còn chị Tuyết Mai - nhân viên một công ty quảng cáo ở Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội) sau khi dừng uống Similac, bé 1 tuổi rưỡi nhà chị đang tạm uống sữa tươi vì chưa biết tìm mua loại sữa nào tốt.
Một bà mẹ trẻ ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, chia sẻ trên trang cá nhân: “Con gái tôi mới tròn 16 tháng mà đã phải đổi tới... 5 loại sữa. Một đứa trẻ mới hơn 1 tuổi đã trở thành nhà thẩm sữa bất đắc dĩ cho những lỗ hổng đáng sợ trong khâu sản xuất, kiểm duyệt của các hãng sữa và các cơ quan chức năng. Cứ mỗi một lần tôi quyết tâm sử dụng một loại sữa, y như rằng lại có sự cố xảy ra. Đến bây giờ thì tôi đã thực sự bó tay chẳng còn biết phải chọn sữa gì cho con”.
Chị Nguyễn Ngọc Ánh (quận 11, TP.HCM) chia sẻ: “Nhiều người cũng khuyên nên lựa chọn sữa nội cho con vì hiện chưa có thông tin nhiễm khuẩn. Nhưng con quen dùng sữa ngoại rồi nên lo bé sẽ không chịu”.
Trong khi đó, tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam là chưa thích sử dụng sữa nội. Rất có thể họ sẽ tìm một hãng sữa ngoại khác.
Một chuyên gia trong lĩnh vực này nêu vấn đề: “Không phải cứ sữa ngoại là giá cao hoặc giá cao là tốt, bởi họ phải bỏ nhiều tiền để quảng cáo, chăm sóc khách hàng, thiết lập hệ thống phân phối... Hiện sữa ngoại có vấn đề lại là cơ hội cho sữa nội khẳng định mình. Doanh nghiệp sữa Việt Nam, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì cũng cần học cách tiếp thị, chăm sóc khách hàng, tiếp cận thị trường như các hãng sữa ngoại”.
Bạch Hân - Nam Phong