Sáng 14/10, cơ quan Cảnh sát điều tra (C48, Bộ Công an) đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Toàn bộ hồ sơ vụ án cùng 9 bị can khác tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Tham ô tài sản đã được chuyển đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố.
Ông Dương Chí Dũng. |
Trước đó, ngày 24/9, Chinhphu.vn đưa tin, tại buổi làm việc với các ngành chức năng, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Công an nhấn mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử giữ vai trò rất quan trọng.
Với các vụ án cụ thể như vụ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), vụ Ngân hàng NNPTNT chi nhánh Nam Hà Nội, Đại tướng Quang yêu cầu sớm kết thúc điều tra, đưa ra truy tố, xét xử trong thời gian từ nay đến cuối năm 2013.
Liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline), tháng 5/2012, cơ quan điều tra khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Dương Chí Dũng về tội Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9/2012, Bộ Công an mới bắt được bị can Dũng, do ông này bỏ trốn.
Theo Lao động, Dương Chí Dũng với tư cách là Chủ tịch HĐQT Vinalines đã cấu kết cùng với Mai Văn Phúc, TGĐ và các cá nhân khác làm cố ý làm trái trong việc đầu tư, tổ chức đấu thầu, thanh toán trong việc mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại cho nhà nước gần 400 tỷ đồng. Trong vụ án này, Dương Chí Dũng đã chỉ đạo các đồng phạm nâng khống số tiền mua ụ nổi để tham ô 1,6 triệu USD.
Lần theo số tiền này, cơ quan điều tra phát hiện Dương Chí Dũng đã sử dụng số tiền tham ô để mua cho “bồ nhí”, người đã có con riêng với Dương Chí Dũng, 2 căn hộ chung cư, một căn tại tầng 29 tòa tháp B, tòa nhà Skycity, Láng Hạ, Hà Nội; một căn tại tòa nhà Pacific, Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.