Dù vừa khoa trương lần đầu về hạm đội tàu ngầm hùng hậu, nhưng tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc chỉ có thể vùng vẫy ở Biển Đông để thực hiện chiến lược “chuỗi đảo thứ nhất”, vì hạm đội ở Bắc Hải và Đông Hải bị Nhật, Đài Loan và Mỹ khóa chặt, theo tạp chí phân tích quốc phòng Stratfor (Mỹ) ngày 31.10.
Hạm đội tàu ngầm Trung Quốc rầm rộ tập luyện trên biển, hình ảnh lần đầu tiên được đăng trên truyền thông Trung Quốc - Ảnh: Xinhua |
Tham vọng răn đe từ biển
Trong những ngày cuối tháng 10.2013, Tân Hoa Xã và báo đài Trung Quốc lần đầu tiên đăng ảnh và video clip về hạm đội tàu ngầm hùng hậu, cả tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân lẫn tàu ngầm điện - diesel.
Vào năm 2012, Bộ Quốc phòng Mỹ có báo cáo ghi nhận về sự tiến bộ quân sự của Trung Quốc, kể cả việc dự báo nước này sẽ có tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới vào năm 2014.
Tuy vậy, những hạn chế về công nghệ và địa lý vẫn còn với Trung Quốc. Hiện tại Trung Quốc phải lệ thuộc vào các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân bố trí trên đất liền để đối phó Phương Tây.
Tham vọng của Trung Quốc xây dựng bộ ba vũ khí chiến lược (tên lửa đạn đạo hạt nhân, máy bay ném bom hạt nhân, tàu ngầm phóng tên lửa hạt nhân), đặc biệt là tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân, gắn với mong muốn gia tăng khả năng răn đe đối với các cường quốc hạt nhân khác, đặc biệt là Mỹ, Nga và Ấn Độ.
Duy trì được lực lượng hạt nhân trên biển sẽ gia tăng khả năng của Trung Quốc trong việc giáng trả đối với đòn tấn công hạt nhân đầu tiên (hoặc thứ hai). Khả năng răn đe từ biển cũng là vấn đề uy tín đối với Bắc Kinh vì chỉ có một vài nước mới có thể làm như vậy.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Hạ (092) - Ảnh: AFP |
Hạn chế công nghệ
Trung Quốc đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược trên biển, nhưng vẫn còn đứng sau nhiều cường quốc, đặc biệt là Mỹ.
Loại tên lửa đạn đạo hạt nhân phóng từ tàu ngầm JL-1A của Trung Quốc có tầm bắn 2.500 km được xem là vũ khí chính của các tàu ngầm hạt nhân. Trong khi đó các tên lửa đạn đạo của tàu ngầm Mỹ có tầm bắn xa gấp hơn 4 lần. Trung Quốc gần đây đang phát triển tên lửa loại JL-2 mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm được cho có tầm bắn 7.000 - 8.000 km, nhưng người ta nghi ngờ chúng chỉ có thể đi vào hoạt động hạn chế từ năm 2014.
Công nghệ tàu ngầm của Trung Quốc cũng là vấn đề khi còn đi sau các nước. Bên cạnh tàu ngầm hạt nhân lớp Hạ (Type 092) được sử dụng rộng rãi, Trung Quốc đang phát triển tàu ngầm lớp Tấn (Type 094) và đã có khoảng 3-4 chiếc đi vào hoạt động kể từ khi chiếc đầu tiên hạ thủy năm 2004. Tấn thực ra chỉ là tàu ngầm lớp Hạ được cải tiến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là thiếu công nghệ giúp tàu chạy êm, điều quan trọng giúp tăng khả năng sống sót của tàu ngầm.
Và thậm chí theo một báo cáo của Tình báo Hải quân Mỹ, tàu ngầm lớp Tấn còn dễ bị phát hiện hơn tàu ngầm lớp Delta III của Liên Xô hồi những năm 1970.
Chiếc máy bay chống ngầm P-3C đầu tiên của Đài Loan, tại buổi lễ đón nhận ngày 31.10. Đài Loan đã đặt mua 12 chiếc máy bay này từ Mỹ, trị giá gần 2 tỉ USD - Ảnh: CAN |
Hạn chế về địa lý
Dù đã có nhiều cải thiện về công nghệ, các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc vẫn cần vượt qua một cách an toàn “chuỗi đảo thứ nhất” để tiến ra vùng biển Philippines (Thái Bình Dương) để thực sự trở thành lực lượng răn đe hạt nhân trên biển tầm cỡ toàn cầu. Ngay cả khi Trung Quốc có được tên lửa JL-2 cho các tàu ngầm hạt nhân của họ, tàu ngầm Trung Quốc đang hoạt động trên biển Hoa Đông hay trong chuỗi đảo thứ nhất cũng khó mà tiếp cận được các mục tiêu ở lục địa Mỹ hay Tây Âu.
Tuyến đường gần nhất để tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc tiến ra Thái Bình Dương là qua eo biển Luzon, nằm giữa Philippines và đảo Đài Loan, và eo biển đó dẫn ra biển Philippines.
Eo biển này được xem là cửa ngõ ra Thái Bình Dương an toàn hơn vùng biển giữa Đài Loan và Nhật Bản, vì Philippines không có lực lượng chống ngầm, còn khả năng chống tàu ngầm của Đài Loan thì có hạn, nhất là so với Nhật. Hơn nữa, quân đội Mỹ không có mặt tại Đài Loan hay Philippines như họ có tại Nhật hay Hàn Quốc.
Tuy nhiên băng qua eo biển Luzon cũng không thực sự an toàn tuyệt đối cho tàu ngầm Trung Quốc, đặc biệt là khi xảy ra xung đột với Mỹ. Thứ nhất, Đài Loan đang gia tăng khả năng chống ngầm. Vào tháng 8.2015 Đài Loan sẽ nhận đủ 12 chiếc máy bay chống tàu ngầm P-3C Orion, đủ sức giám sát eo biển Luzon.
Và do tàu ngầm lớp Tấn của Trung Quốc rất ồn ào khi chạy, các tàu ngầm tấn công của Mỹ tuần tiễu ở eo biển Luzon sẽ dễ dàng phát hiện.
Biển Đông: Khu vực an toàn của tàu ngầm Trung Quốc
Những hạn chế về mặt địa lý như vậy là lý do chính khiến Hải quân Trung Quốc chọn chiến lược xây pháo đài ở quanh Biển Đông.
Lâu nay Hải quân Trung Quốc bố trí các tàu ngầm hạt nhân tại Hạm đội Bắc Hải và Nam Hải. Hạm đội Bắc Hải có các tàu ngầm hạt nhân lớp Hạ và gần đây là lớp Tấn, hạm đội Nam Hải cũng có tàu lớp Tấn. Việc xây căn cứ tàu ngầm ở Tam Á trên đảo Hải Nam đồng nghĩa việc giúp mở rộng hoạt động của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc ở Biển Đông.
Một chiến hạm thuộc Hạm đội Đông Hải tập bắn đạn thật trong cuộc huấn luyện ngày 29.9 trên biển Đông Hải - Ảnh: Reuters Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn (094) được cho là bản cải tiến của lớp Hạ nhưng vẫn còn chạy rất ồn, thậm chí dễ bị phát hiện hơn tàu lớp Delta III của Liên Xô hồi những năm 1970 - Ảnh: Xinhua |
Hoạt động của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc trên Biển Đông có nhiều thuận lợi. Thứ nhất, không như ở biển Đông Hải hay Hoàng Hải, Biển Đông là khá xa so với khả năng tác chiến của lực lượng chống ngầm của Hàn Quốc, Nhật Bản và cả của lực lượng Mỹ đồn trú ở hai nước đó.
Biển Đông còn cung cấp không gian hoạt động cơ động hơn cho tàu ngầm Trung Quốc so với vùng biển hẹp ở phía đông Trung Quốc.
Cuối cùng, khác với biển Đông Hải, Biển Đông cung cấp nhiều lối tiến ra các đại dương hơn. Hay nói cách khác, trong khi Biển Đông có thể cung cấp khu vực hoạt động một cách an toàn hợp lý cho hải quân Trung Quốc, vùng biển này cũng cung cấp tiềm năng đáng kể cho các hoạt động đột phá trong tương lai của hải quân Trung Quốc, cho dù phải đi qua eo biển Luzon hoặc lối khác như biển Sulu hoặc eo biển Karimata.
Hoạt động từ biển Đông Hải, Biển Đông hay Hoàng Hải, tàu ngầm Trung Quốc sẽ sớm có khả năng răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy chống lại Nga và Ấn Độ. Nhưng hạm đội tàu ngầm Trung Quốc vẫn cần tiến ra các vùng biển mở ngoài chuỗi đảo thứ nhất để duy trì sức mạnh răn đe trên biển đối với Tây Âu và Mỹ.
Cho đến khi Trung Quốc xây dựng được một hạm đội tàu ngầm hạt nhân (với thủy thủ đoàn được đào tạo tốt và hậu cần tốt) đủ êm ái để thường xuyên ra vào biển Philippines, hoặc có tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đủ sức bắn đến các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ, Trung Quốc vẫn phải dựa vào lực lượng hạt nhân đặt trên đất liền như là vũ khí răn đe chính để chống lại Mỹ.
Anh Sơn