Trung Quốc “đang muốn đấu một trận” với Mỹ và đồng minh của Washington tại Đông Á, sau khi ra lệnh cho một tàu đổ bộ ngăn chiến hạm USS Cowpens tại biển Đông, một chuyên gia quân sự Mỹ nhận định trên trang tin The Washington Free Beacon.
Chiến hạm USS Cowpens lướt ngang qua tàu sân bay USS George Washington tại biển Đông hồi tháng 9.2010 - Ảnh: Reuters |
Vào hôm 5.12, USS Cowpens được cho là đang di chuyển trong vùng biển quốc tế tại biển Đông thì một tàu đổ bộ Trung Quốc xuất hiện và yêu cầu chiến hạm Mỹ rời khỏi khu vực, theo The Washington Free Beacon.
Chiến hạm mang tên lửa Mỹ khi đó đang tiến hành theo dõi hoạt động của
tàu sân bay Liêu Ninh (Trung Quốc).
Vì cho rằng mình đang trong vùng biển quốc tế nên USS Cowpens từ chối chuyển hướng.
Tàu Trung Quốc sau đó đã chặn hướng di chuyển của chiến hạm Mỹ, buộc tàu Mỹ phải quay đầu gấp để tránh va chạm.
Nhận định về vụ việc trên, Richard Fisher, chuyên gia nghiên cứu về quân đội Trung Quốc, thuộc Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, nói: “Trong giai đoạn mới dùng đến sức mạnh hải quân vừa có được, Trung Quốc đang cố ra vẻ và tỏ ra bắt nạt, đồng thời nước này cũng đang muốn đấu một trận để dọa nạt Mỹ, Nhật và Philippines”.
Vụ việc kể trên cũng cho thấy Bắc Kinh không cho phép Mỹ hiện diện tại biển Đông, ông Fisher nói thêm.
“Họ (Trung Quốc) có thể đã sẵn sàng để "hi sinh" một chiếc tàu đổ bộ LST (chuyên vận chuyển xe tăng) vì họ sở hữu khoảng 27 chiếc. Họ thường trang bị cho tàu LST một hoặc hơn hai ụ pháo 37 li. Loại pháo này có thể gây thiệt hại nặng nề cho tàu chiến loại nhỏ của Hải quân Mỹ ở tầm gần”, ông Fisher nói thêm.
Chuyên gia David Finkelstein tại Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ) cũng nói với tờ Washington Post rằng các chỉ huy hải quân Trung Quốc đã áp dụng một phương pháp sai lầm để bảo vệ tàu sân bay trong sự cố đụng độ với tàu Mỹ hôm 5.12.
Chiến hạm USS Cowpens bị một tàu hải quân Trung Quốc ngặn chặn khi đang di chuyển trong vùng biển quốc tế tại biển Đông - Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, các chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng đã có những nhận định về việc tàu Trung Quốc chặn chiến hạm Mỹ.
Tờ China Daily dẫn lời ông Su Hao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Trường đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói: “Trung Quốc cho thấy quyết tâm và khả năng kháng cự lại những động thái gây hấn tại biển Đông”.
“Trung Quốc chỉ hành động sau khi tàu Mỹ từ chối tuân theo cảnh báo. Mỹ cần phải thừa nhận rằng quân đội Trung Quốc đã lớn mạnh hơn và nên đánh giá lại các chiến lược của mình dựa theo quan hệ hiện tại giữa 2 nước, thay vì tìm cách kiềm hãm Trung Quốc”, ông Su nói.
Chuyên gia quân sự Ni Lexiong nói động thái của Trung Quốc trong vụ đối đầu nói trên cho thấy nước này “không còn yếu đuối như trước đây”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã từ chối đề cập trực tiếp về vụ việc nói trên tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 16.12. Bà Hoa đề nghị phóng viên nên đặt câu hỏi với bộ quốc phòng nước này.
“Tôi có thể nói với quý vị rằng Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải và hàng không theo đúng quy định của luật pháp quốc tế”, AFP dẫn lời bà Hoa.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trong khi đó, cũng không đưa ra bình luận gì.
Việc Trung Quốc tránh đề cập đến vụ đụng độ với tàu chiến Mỹ hoàn toàn trái ngược với các động thái chỉ trích mạnh mẽ Nhật Bản gần đây của Bắc Kinh khi Tokyo lên tiếng phản đối
vùng nhận dạng phòng không mới tại biển Hoa Đông của Trung Quốc.