Từ năm 2011 đến nay, đã có ít nhất gần 10 triệu bao caosu (BCS) nhãn hiệu Happy được Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS (gọi tắt là Quỹ toàn cầu, Bộ Y tế) mua phát miễn phí cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Tuy nhiên, phản hồi từ chính những người được phát cho thấy chất lượng BCS kém, thậm chí còn làm tăng nguy cơ lây bệnh…
Nhiều hộp BCS Happy bị “ế” vì khách hàng chê.
Chất lượng kém nhưng vẫn phát
Nhiều khách hàng sau một lần thử, đã từ chối sản phẩm này. Kết quả là, cho đến nay rất nhiều hộp BCS này vẫn ế, người được phát hoặc là bỏ không. Hàng loạt ý kiến chê về chất lượng BCS đã được phản ánh với Ban quản lý dự án, nhưng sang đến năm thứ 3, tình hình vẫn chưa thay đổi.
Đầu tháng 5.2013, chị Vân Hà - Trưởng nhóm Bạn tình âm tính, quận Long Biên (Hà Nội) - cho chúng tôi xem 10 hộp BCS Happy còn ế vì không phát được, của các nhóm đồng đẳng khác không dùng nên chuyển sang. Các khách hàng của chị Hà chê cả về size, quá dày, ít chất bôi trơn và mùi vị. BCS Happy đều chỉ có 1 cỡ 52mm, trong khi đó, người VN thường phù hợp với size nhỏ hơn là 49mm. Về mùi vị thì hoàn toàn giống mùi caosu. Những đặc điểm của BCS như vậy khiến cho cả nam và nữ đều không thích dùng. Vì thế, BCS còn tồn lại, cũng như các nhóm khác không dùng chuyển sang.
Anh Lương Ngọc Tuấn – Trưởng nhóm “Cùng Tiến” (TPHCM) - cho biết: “Đồng đẳng viên phản ánh nhiều về chất lượng BCS. Không đủ size, size lại không vừa mà chất lượng rất là kém. Chưa có đi vô, xé bao rách rồi. Xé bao bì thì toàn đi chéo. Các em hành nghề mỗi ngày quan hệ với 3 - 4 người chỉ cần rách một cái là chết rồi.
Bọn em phản ánh lên trên từ tháng 6.2012, lúc mới bắt đầu có bao mà chẳng thấy thay đổi gì”.
Một đồng đẳng viên của nhóm “Cùng Tiến” nói thêm: “Cái Happy này dày như áo mưa, mất hết khoái cảm. Chất bôi trơn cũng dở lắm. Nó kém trơn, như là nước ấy, mà lại không đủ. Bọn em mất bao nhiêu công tiếp cận, phát được cho họ nhưng lần sau đưa thì họ chê không lấy. Một số người nể cầm xong vứt bỏ ngay trước mặt mình. Nhiều người còn mắng là cho thì cho cái tử tế chứ cho vậy cho làm gì rồi không thèm gặp luôn. Vậy là phí công tiếp cận”.
PV Báo Lao Động đã mở hộp bao caosu, mỗi hộp chứa 144 chiếc. Khi xé ra, lượng chất bôi trơn chỉ có ở đầu bao, độ dày thành bao không đều. Đặc biệt, bao chỉ đơn thuần là có mùi caosu, chứ không có mùi hấp dẫn thường thấy ở những loại khác bán trên thị trường.
Các đồng đẳng viên cho biết, họ từng nhận được các loại khác, nhưng khách hàng đều không có ý kiến phản hồi chê về chất lượng. Đây là lần đầu tiên BCS của các dự án hỗ trợ can thiệp giảm thiểu tác hại phòng chống HIV/AIDS bị người sử dụng “ném đá” như vậy.
Miễn phí vẫn cần chất lượng
Bà Đặng Thị Thúy Hường - Điều phối viên Tiểu dự án Quỹ toàn cầu, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) - cho biết: “Khi có ý kiến của người sử dụng ở Hà Nội và một số tỉnh/TP khác như Hải Dương, Vĩnh Phúc kêu BCS Happy dày, ít chất bôi trơn, size lớn, chúng tôi đã tổng hợp và gửi phản ánh lên đơn vị chủ quản là Liên hiệp Hội khoa học kỹ thuật (VUSTA) là dự án thành phần Quỹ toàn cầu”.
Bà Lê Thị Anh Thảo - quản lý dự án hợp phần VUSTA - cũng cho Lao Động biết: “Ban quản lý dự án thành phần VUSTA không thực hiện mua sắm, đấu thầu các vật phẩm này mà chỉ nhận lại từ dự án trung ương rồi chuyển xuống cho đồng đẳng viên phân phát. Vì thế, khi có ý kiến phản hồi của cộng đồng về BCS Happy, VUSTA cũng đã báo cáo lên Dự án Quỹ toàn cầu T.Ư thuộc Bộ Y tế quản lý. Thông tin này được trao đổi trong buổi giao ban, văn bản báo cáo hằng quý của VUSTA”.
Ông Phạm Hoài Thanh - Phó GĐ Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, một người có kinh nghiệm nhiều năm làm việc với những người có nguy cơ cao nhiễm HIV - nhận định: “Không chỉ Hà Nội, TPHCM mà nhiều nơi khác như Bình Dương, Bắc Cạn... cũng đều có tình trạng này. Để khuyến khích, tạo thói quen, nhu cầu, nhiều tổ chức quốc tế đã viện trợ BCS, phát miễn phí cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV giúp họ phòng tránh HIV. Kiên trì khuyến khích sử dụng BCS hơn 10 năm qua, tỉ lệ sử dụng áp dụng biện pháp tránh thai và phòng bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục này đã tăng lên.
Tuy nhiên, việc cung cấp những vật phẩm khiến người sử dụng không muốn nhận, thậm chí từ chối thẳng thừng như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của những người tiếp cận cộng đồng, và ảnh hưởng đến hiệu quả phòng chống HIV/AIDS”.
Theo
Quang Duy