Nhiều nhà phân tích dự đoán, tuần tới (25/3-29/3), giá vàng thế giới sẽ tăng nhờ sự bất ổn tài chính tại đảo Síp. Ngược lại, giá vàng trong nước có thể sẽ giảm nhiệt khi Ngân hàng Nhà nước chính thức mở phiên đấu thầu vàng đầu tiên.
Trong phiên cuối tuần,
giá vàng giao sau giảm về mức 1.606,1 USD/ounce. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, vàng giao sau vẫn tăng khoảng gần 1%.
Các nhà phân tích vẫn dự đoán, giá vàng sẽ tăng trong tuần tới. Khảo sát trên Kitco News Gold Survey cho thấy, trong tổng số 33 người tham gia, 28 người trả lời trong tuần này. Trong số 28 người trả lời, 22 đoán giá tăng, trong khi chỉ có 4 người cho rằng giá sẽ giảm, và hai ý kiến đoán giá đi ngang.
Tham gia thị trường vẫn bao gồm các đại lý vàng, ngân hàng đầu tư, giới nhà đầu tư vàng giao sau, các nhà quản lý quỹ và các nhà phân tích kỹ thuật.
Tin tức mới nhất từ đảo Síp rằng các nhà chức trách đã công bố kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Điều bất ngờ là việc Chính phủ Síp lại đệ trình trở lại kế hoạch đánh thuế tiền gửi tiết kiệm đối với các khoản tiền trên 100.000 euro. Mức thuế có thể lên tới 15%. Nhiều dự đoán rằng, cuối tuần này, Quốc hội Síp sẽ khó thông qua kế hoạch trên.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Síp Michael Sarris đã không thể đạt được một thỏa thuận với Bộ trưởng Tài chính Nga để có được gói cứu trợ.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho biết nếu không thể có một giải pháp nào khác, ECB sẽ hủy bỏ chương trình hỗ trợ khẩn cấp thanh khoản vào thứ Hai tới.
Một trong những lo lắng của thị trường hiện nay đó là sẽ khó có được một thỏa thuận cho kế hoạch giải cứu Síp vào thứ Hai.
Một thương nhân tại châu Âu cho rằng, cần phải tích cực mua vàng để có sự an toàn trong đầu tư. Nếu không có quyết định từ cuối tuần này, vàng có thể sẽ giao dịch trên mức 1.620 -1.625 USD/ounce.
Ngoài ảnh hưởng từ Síp, một số giao dịch có kỳ hạn và các hợp đồng tùy chọn cũng là yếu tố cần phải xem xét. Ông Geoge Gero, Phó chủ tịch của RBC Capital Markets Global Futures, đồng thời là chiến lược gia kim loại quý, cho biết các hợp đồng vàng kỳ hạn tháng 4 sẽ hết hạn vào thứ Hai tới.
Thị trường vàng trong nước tính đến cuối ngày thứ Bảy (23/3), giá vàng SJC của DOJI tại thị trường Hà Nội giao dịch ở mức 43,85 – 43,91 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại thị trường Tp.HCM, vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 43,8 – 43,93 triệu đồng/lượng.
Trong tuần này, giá vàng trong nước đã có dấu hiệu chững đà tăng so với lực đi lên của vàng thế giới. Điều này đã làm khoảng cách giữa vàng trong nước và thế giới được rút ngắn dần. Tính quy đổi vàng thế giới theo tỷ giá tại các ngân hàng thương mại, mỗi lượng vàng quốc tế sẽ có giá tương đương khoảng hơn 40 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá trong nước chỉ còn chênh so với vàng quốc tế khoảng hơn 3 triệu đồng/lượng.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh vàng, thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu vàng miếng phiên đầu tiên vào tuần tới và chính thức can thiệp thị trường đã khiến giá vàng rút ngắn dần khoảng cách với giá thế giới.
Bên cạnh đó, vàng trong nước cũng chịu áp lực do đồng đô la Mỹ hạ nhiệt. Trong phiên ngày 20/3, trong khi giá vàng thế giới tăng thì vàng trong nước lại khá thờ ơ. Theo Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, thị trường trong nước đang chịu áp lực do đôla tự do bất ngờ giảm mạnh. Từ mốc 21.130 đồng đến 21.150 đồng, giá bán đôla ngoài “chợ đen” giảm mạnh về 21.090 đồng trong sáng (19/3). Đến sáng ngày 20/3, các điểm thu đổi tiếp tục hạ niêm yết, còn 21.040 đồng “ăn” một đôla Mỹ. Chiều thu mua cũng hạ mạnh, còn khoảng 21.000 đồng chẵn. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại không thay đổi bảng niêm yết giá, và giao dịch với chiều bán ở quanh 20.960 đến 20.970 đồng.
Khả năng trong tuần tới, khi NHNN chính thức mở phiên đấu thầu, giá vàng trong nước sẽ còn hạ nhiệt dần, khoảng cách chênh với giá thế giới sẽ tiếp tục được rút ngắn hơn.
Theo Đinh Bách