Vay tín chấp là người vay không có tài sản thế chấp cho ngân hàng và sẽ trả tiền gốc cùng tiền lãi cố định hằng tháng (được chia đều theo thời gian vay). Vì thế, người vay cần tìm hiểu kỹ sản phẩm này để có khả năng trả nợ phù hợp điều kiện thu nhập, tránh bị mất kiểm soát về tài chính.
Cần xem kỹ các quy định trước khi quyết định vay ngân hàng - Ảnh: Đào Ngọc thạch
|
Hai cách tính lãi suất
Điều mà nhiều người quan tâm nhất khi muốn vay tiền tại các ngân hàng (NH) là lãi suất (LS) cho vay bao nhiêu? Thông thường, LS cho vay tín chấp sẽ cao hơn nhiều so với LS cho vay có tài sản thế chấp, bởi rủi ro từ vay tín chấp cao hơn vay thế chấp. Có 2 cách tính LS vay tín chấp và tùy theo mỗi NH sẽ đưa ra cách tính như thế nào. Đó là LS cố định ban đầu tính trên tổng số dư nợ gốc ban đầu khách hàng vay và tính cố định hằng tháng đến khi hết hợp đồng. Ví dụ, bạn vay 200 triệu đồng với LS cố định là 12%/năm thì tiền lãi phải trả cho NH cố định là 2 triệu đồng/tháng. Nếu thời gian vay là 24 tháng thì số tiền gốc phải trả cho NH là 8,33 triệu đồng/tháng cộng thêm LS 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, tổng số tiền người vay phải trả sau 2 năm vay là 200 triệu đồng (tiền vay gốc) + 48 triệu đồng (lãi vay) = 248 triệu đồng.
Nếu NH tính LS theo dư nợ giảm dần thì LS phải trả sẽ giảm tương ứng với số tiền gốc còn nợ NH. Ví dụ, nếu khách hàng vay 200 triệu đồng với LS giảm dần là 20%/năm thì số tiền lãi phải trả trong vòng 3 tháng đầu khoảng 3,3 triệu đồng/tháng, nhưng đến tháng thứ 4 LS chỉ còn 2,9 triệu đồng/tháng. Cứ thế, LS sẽ giảm dần và khi bước sang tháng thứ 13 thì LS chỉ còn phải trả là 1,67 triệu đồng…
Một chuyên viên NH tại TP.HCM cho biết hiện nay mức LS tính theo dư nợ gốc ban đầu khoảng 12,24%, tương đương với khách hàng chọn LS tính theo dư nợ giảm dần là 21%. Trên thực tế, dù chọn cách nào thì NH cũng sẽ tính 2 mức LS này tương đương với nhau, nên tổng số tiền người vay phải trả NH cũng tương đương nhau. Tuy nhiên, nắm rõ và lựa chọn cách tính LS giúp người vay chủ động hơn trong việc trả nợ phù hợp với thu nhập hằng tháng của mình. “Nếu người vay muốn trả nợ nhanh hơn thì chọn LS giảm dần. Còn người vay không muốn bị áp lực trả nợ quá nhiều những tháng đầu thì chọn cách tính LS cố định ban đầu để chia đều số tiền phải trả trong suốt thời gian vay”, chuyên gia này nói.
Đọc kỹ hợp đồng
Hiện nay, việc vay tín chấp không quá khó. Điều kiện cho vay của các NH thường là cán bộ công nhân viên có lãnh lương hằng tháng từ 6 triệu đồng/tháng trở lên; có hợp đồng lao động và làm việc từ 18 tháng tại doanh nghiệp hiện tại. Khi nộp hồ sơ phải kèm theo bản sao hợp đồng lao động, bản sao kê tài khoản lương ở NH trong vòng 3 tháng liền kề mới nhất (hoặc phải có giấy xác nhận lương của doanh nghiệp)…
Tuy nhiên, ngoài việc tìm hiểu kỹ về LS và cách tính LS cho vay tín chấp của các NH, người vay cũng nên đọc kỹ hợp đồng với những điều khoản chi tiết khác như mức phạt trả nợ trễ hạn, phí thanh toán trước hạn hay điều kiện làm mới hợp đồng… Thời gian cho vay tín chấp thông thường từ 12 - 60 tháng, tùy theo người vay và khoản vay.
Theo quy định chung, mức phí trả nợ trễ hạn của các NH đều tính bằng 150% LS vay vốn/khoản tiền trả chậm. Riêng mức phí trả trước hạn thông thường từ 2 - 3%/số tiền nợ gốc còn lại. Tuy nhiên, cũng có một số NH không thu phí khi người vay muốn trả nợ trước hạn. Điều này giúp người vay tín chấp không mất một số tiền đáng kể nếu vay một khoản tiền lớn mà sau khi vay có điều kiện để trả trước hạn. Ví dụ, với khoản vay 200 triệu đồng trong 24 tháng nhưng chỉ sau 12 tháng, bạn đã tích lũy đủ và muốn trả hết số nợ gốc 100 triệu đồng còn lại, nếu NH thu phí 3%/số tiền nợ gốc thì bạn phải trả thêm phí là 3 triệu đồng…
Thảo Vy