|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tranh thủ Diễn đàn Kinh tế Thế giới để khẳng định quan điểm về Biển Đông. Ảnh: Đức Tám
|
Biển Đông là nơi mà hai phần ba khối lượng hàng hóa thương mại vận chuyển bằng đường biển của toàn cầu đi qua, Thủ tướng nói trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn kinh tế Thế giới 2014 (WEF) tại Philippines chiều nay.
"Bất ổn hay xung đột xảy ra tại đây sẽ làm gián đoạn lưu chuyển dòng hàng hóa to lớn này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều gánh chịu hậu quả khôn lường, thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới", Thủ tướng nói. "Sẽ không thể có phát triển nếu không có hòa bình và ổn định".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết từ ngày 1/5/2014 đến nay, Trung Quốc đã sử dụng hơn 130 tàu, có cả tàu quân sự và máy bay bảo vệ để hạ đặt giàn khoan dầu vào vị trí sâu hơn 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Đây là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Tuyên bố Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết.
"Hành động này của Trung Quốc đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông", Thủ tướng nói, và nhận xét rằng tình hình ở Biển Đông hiện nay là "đặc biệt nghiêm trọng".
Thủ tướng cho biết ông hoàn toàn chia sẻ với quan ngại của Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập Diễn đàn WEF, tại WEF Davos đầu năm 2014 là nguy cơ bất ổn đang tăng lên. "Trên thực tế, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực", Thủ tướng cho biết.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên khai mạc của WEF Đông Á chiều nay. Ảnh chụp màn hình.
|
Ông cũng thông báo rằng tình hình ở Việt Nam sau một số cuộc biểu tình đã hoàn toàn ổn định, các doanh nghiệp được hỗ trợ và hoạt động bình thường.
"Cả dân tộc Việt Nam phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc. Nhiều nơi, người dân tự phát biểu tình phản đối, trong đó một số người đã có những hành vi vi phạm pháp luật. Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm khắc đúng pháp luật. Tình hình đã hoàn toàn ổn định. Các doanh nghiệp đã được giúp đỡ hỗ trợ phù hợp và trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường", Thủ tướng cho biết.
Cùng phát biểu trong phiên khai mạc WEF Đông Á hôm nay có Tổng thống Philippines Benigno Aquino, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Phó tổng thống Myanmar U Nyan Tun.
Trước khi tham dự hội nghị WEF, chiều qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã hội đàm, thống nhất phản đối các hành động xâm phạm của Trung Quốc ở Biển Đông.
Việt Nam cùng Philippines kiên quyết phản đối và kêu gọi các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động xâm phạm, triệt để tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và phấn đấu sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Diễn đàn Kinh tế Thế giới là một tổ chức phi lợi nhuận, do Giáo sư kinh tế người Thụy Sĩ Klaus Schwab sáng lập năm 1971. Bên cạnh Diễn đàn chính diễn ra vào tháng một hằng năm, WEF cũng có 6 đến 8 cuộc họp ở nhiều khu vực trên thế giới. Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương đang là khu vực tăng trưởng nhanh và năng động trên thế giới. Tuy nhiên cũng có những biểu hiện suy giảm tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế trong khu vực.
Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi gặp gỡ 3 công ty nước ngoài là Coca Cola, Mitsubishi, Swiss RE. Với các doanh nghiệp nước ngoài, Thủ tướng cho biết lấy làm tiếc vì hành động quá khích của một số công nhân Việt Nam khi biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc thời gian qua, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là hành động trái phạm luật và đã được xử lý nghiêm, cho đến nay tình hình đã được kiểm soát, Thủ tướng cho biết.
|
Thanh Bình